Ngày 17/10, BS.CKI Hồng Văn In, Trưởng đơn vị Cấp cứu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đã điều đội cấp cứu đến nhà ngay khi tiếp nhận cuộc gọi từ gia đình. Êkíp nhận định bệnh nhân đột quỵ giờ đầu (kể từ khi xuất hiện triệu chứng), báo động về bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng quy trình cấp cứu đột quỵ (Code Stroke) để tiếp nhận bệnh nhân.
Ông Mạnh được đưa vào viện ngay sau đó, chụp CT sọ não 768 lát cắt để xác định đúng thể loại đột quỵ, từ đó bác sĩ đưa ra phương án cấp cứu phù hợp. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não do mạch máu tắc nghẽn. Huyết áp ông Mạnh lúc đến phòng cấp cứu tăng 180/100 mmHg trong khi bình thường là 120/80 mmHg.
Bác sĩ chuyên khoa thần kinh đánh giá tình trạng đột quỵ của bệnh nhân theo thang điểm NIHSS là 10. NIHSS dùng để đánh giá mức độ lâm sàng đối với bệnh nhân đột quỵ cấp. Bệnh nhân có điểm số càng cao phản ánh mức độ đột quỵ càng nặng. Người bệnh được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết truyền đường tĩnh mạch ngay tại phòng chụp CT, tái thông mạch máu não sớm, giảm tổn thương não, hạn chế di chứng, tạo điều kiện phục hồi chức năng thần kinh.
Trong quá trình truyền thuốc tiêu sợi huyết, ông Mạnh được theo dõi sát sinh hiệu, tri giác, yếu liệt và đánh giá mức độ cải thiện. Sau khi truyền hết thuốc, người bệnh tỉnh táo, cải thiện méo miệng, phát âm rõ ràng, tự đưa tay chân lên được. Lúc này, điểm NIHSS của ông Mạnh còn 4, tức giảm 6 điểm so với một giờ trước. Kết quả chụp CTA loại trừ nguy cơ tắc mạch máu lớn trong não nên ông Mạnh không cần can thiệp nội mạch lấy huyết khối, tiếp tục theo dõi sinh hiệu theo quy trình điều trị thuốc tiêu sợi huyết.
Một ngày sau, ông Mạnh hồi phục gần như bình thường, có thể đi đứng, vận động nhẹ, ngôn ngữ và nói chuyện linh hoạt, miệng hết méo, các chỉ số sinh hiệu đều ở mức ổn định. NISHH giảm còn 2 điểm, gần bình thường, dự kiến bệnh nhân xuất viện sau 4 ngày, tái khám sau một tuần.
BS.CKII Trần Lê Thanh Tâm, Trưởng đơn vị Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết uống rượu bia nhiều sẽ lợi tiểu, dễ dẫn đến cô đặc máu, hình thành cục máu đông làm tắc mạch. Rượu bia còn góp phần làm tăng huyết áp do co thắt mạch và gây rối loạn nhịp - yếu tố nguy cơ cao của đột quỵ.
Người cao tuổi có sẵn bệnh nền tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim, uống rượu vào đêm khuya như ông Mạnh, mức độ rủi ro lớn. Đột quỵ là tình trạng y tế khẩn cấp, càng để lâu người bệnh càng có nguy cơ cao gặp biến chứng, di chứng nghiêm trọng, tử vong. Bác sĩ Tâm khuyến cáo người có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như miệng méo, yếu liệt tay chân hoặc nửa người, nói ngập ngừng hoặc không nói được, đau đầu, mờ mắt, cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Mỗi người nên khám sức khỏe định kỳ. Người thuộc nhóm nguy cơ cao nên tầm soát đột quỵ ít nhất mỗi năm một lần giúp kiểm soát từ sớm bệnh nền và các yếu tố nguy cơ, hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ.
Trường Giang
*Tên người bệnh đã được thay đổi
20h ngày 17/10, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Tìm hiểu về Cấp cứu và Cấp cứu đột quỵ ứng dụng công nghệ cao - Hiện đại, nhanh chóng, hiệu quả", phát trên fanpage VnExpress.
Các bác sĩ tham gia tư vấn gồm TS.BS Lê Văn Tuấn, BS.CKI Hồng Văn In, BS.CKII Nguyễn Thị Thanh Thùy, ThS.BS Phan Thị Hoàng Yến. Độc giả gửi câu hỏi tại đây.