Bà Hồng phát hiện bệnh cường giáp (tăng sản xuất hormone tuyến giáp) một năm trước, đã điều trị ổn, không tái khám. Hai tuần nay, bà đột ngột nói ngọng, nói chậm, thầy lang chữa bằng cách giật, bẻ lưỡi nhưng không bớt. Gần đây, da của bà bị khô sạm, bong vảy, tóc rụng hói đầu, chân tay ngày càng yếu.
Ngày 7/12, BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết triệu chứng của bà Hồng giống triệu chứng đặc trưng của bệnh suy giáp như nói chậm, đi chậm, da khô nứt nẻ, không chịu được lạnh, tăng cân, hay quên...
Kết quả hormone tuyến giáp FT4 thấp còn 1,95 pmol/L (chỉ số bình thường 12-22 pmol/L), hormone kích thích tuyến giáp TSH tăng cao 52,66 uU/mL (chỉ số bình thường 0,27-4,2 uU/mL), cholesterol, mỡ máu cao, tai biến nhẹ.
Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp tiết ít hormone hơn số lượng cơ thể cần, khiến quá trình chuyển hóa chậm gây tăng cân, tăng cholesterol và mỡ máu làm xơ vữa các mạch máu, nhất là ở vị trí quan trọng gần tim, não...
Theo bác sĩ Duy, bà Hồng có nguy cơ cao đột quỵ nếu không điều trị suy giáp. Triệu chứng nói chậm do suy giáp của bệnh nhân thuộc nhóm triệu chứng thần kinh. Suy giáp ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa của cơ thể, rồi ảnh hưởng trên tim mạch, thần kinh. Do các chuyển hóa đều suy giảm làm phản ứng thần kinh chậm đi khiến người bệnh nói chậm. Giọng nói người bệnh thay đổi, khàn hơn do biến chứng của suy giáp gây phù niêm ở vùng thân, mặt, cẳng chân, hầu họng thanh quản...
Bà được điều trị bằng bù hormone giáp, thuốc hạ mỡ máu. Sau một tuần, bà đi lại được, không còn nói ngọng, nói rõ chữ, da hồng hào hết khô nứt.
Tái khám sau hai tuần, các chỉ số hormone giáp của người bệnh ổn định, mỡ máu và cholesterol thấp hơn. Bà phải uống thuốc hormone giáp suốt đời (mỗi ngày một viên). Bác sĩ Duy khuyến cáo người bệnh không được bỏ điều trị, tái khám đúng hẹn để kiểm tra tình trạng. Không ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật.
Bác sĩ Duy cho biết nhiều người bệnh suy giáp tự ý bỏ điều trị khi sức khỏe ổn định. Thói quen này làm tăng nguy cơ biến chứng như rối loạn nhịp tim, tim to, suy tim, yếu cơ bắp, bướu cổ...
Bác sĩ Duy khuyến cáo người bệnh suy giáp cần tái khám định kỳ, dùng thuốc suốt đời theo chỉ định, quên uống thuốc có thể làm bệnh nặng hơn. Triệu chứng bệnh suy giáp khó nhận biến ở giai đoạn sớm, triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh tim mạch, mỡ máu, da liễu... Mọi người nên đi khám sức khỏe mỗi năm ít nhất một lần để tầm soát các bệnh tuyến giáp.
Đinh Tiên
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |