Theo Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ, người bị suy giáp (thiếu hụt hormone tuyến giáp) thường gặp các triệu chứng như tăng cân, mệt mỏi, khô da, táo bón... Ăn uống lành mạnh, cân bằng có thể kiểm soát triệu chứng. Dưới đây là gợi ý các chế độ ăn cho người bệnh suy giáp.
Chế độ ăn Paleo
Thực phẩm chế biến sẵn, nhiều muối tăng nguy cơ viêm, ảnh hưởng đến tuyến giáp và các tế bào tuyến giáp, dẫn đến đến suy giáp. Chế độ ăn Paleo hạn chế muối, các sản phẩm từ sữa, đường tinh luyện, thực phẩm chế biến sẵn, ngũ cốc (gạo, ngô, đậu...) có thể gây viêm nhiễm.
Những người ăn theo chế độ ăn này ưu tiên thịt nạc, cá, rau củ quả. Chúng còn chứa chất chống oxy hóa giúp giảm viêm trong cơ thể. Chế độ ăn Paleo hạn chế sữa có thể ảnh hưởng đến canxi cần thiết cho xương. Người bệnh có thể ăn thực phẩm giàu canxi như cá mòi, bông cải... để cung cấp đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết.
Chế độ ăn Địa Trung Hải
Chế độ ăn này ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc thực vật, cá và hải sản khác, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, hạt, đậu, chất béo lành mạnh (dầu ô liu, quả bơ). Nhóm thực phẩm có đặc tính chống viêm, có lợi cho tuyến giáp. Hạn chế thịt đỏ, bơ sữa và thực phẩm chế biến sẵn khi áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải hạn chế tình trạng viêm.
Chế độ ăn ít đường huyết
Những người ăn theo chế độ này thường ưu tiên trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Đường huyết cao kích thích sản xuất cortisol và tăng viêm, ảnh hưởng xấu đến người bệnh suy giáp. Thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế, có hàm lượng đường cao như bánh mì trắng, gạo trắng, mì ống... nên tránh vì gây tăng đường huyết.
Chế độ ăn không chứa gluten
Bệnh celiac là một tình trạng tự miễn dịch thường xảy ra ở người suy giáp. Bệnh tuyến giáp tự miễn dịch và suy giáp cũng phổ biến hơn ở người mắc bệnh celiac. Chế độ ăn không gluten phù hợp với người mắc bệnh celiac, người nhạy cảm với gluten.
Chế độ ăn này không ưu tiên thực phẩm có chứa gluten, ưu tiên thực phẩm lành mạnh hơn như trái cây, rau và protein nạc, tốt cho quản lý bệnh. Người bệnh có thể bổ sung canxi, sắt, chất xơ và các khoáng chất cần thiết thông qua trứng, sữa, cà rốt, khoai lang, rau lá xanh, các loại đậu.
Chế độ ăn kiêng chỉ là phương pháp hỗ trợ, không thay thế cho điều trị y tế. Người bệnh cần tuân theo kế hoạch điều trị, hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng chế độ ăn kiêng.
Mai Cat (Theo Everyday Health)