Nhân câu chuyện cổ động viên Nhật dọn rác sau khi xem trận đấu ở World Cup 2022 và bài viết "Những điều khó giữ chân du khách đến Việt Nam" tôi có một liên tưởng. Trong cuộc sống, chúng ta không hiếm bắt gặp những hành động xấu xí của một bộ phận người Việt: Khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, chen lấn, lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm giao thông, để thú cưng phóng uế bừa, hút thuốc nơi công cộng, chửi đánh nhau ngoài đường, trên mạng... Hành động này tạo nên hình ảnh người Việt xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế và nguy hiểm hơn nữa là gây nhiều hệ lụy xấu: bệnh tật, an toàn, môi trường...
Ngoài ra, còn có những vấn đề thời sự nóng bỏng như: an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm... Tất tần tật những thứ "rác" này liệu chúng ta có thể "dọn" được không? Tôi nghĩ là được nếu cả hệ thống xã hội, từ những nhà quản lý tới người dân, cùng chung tay quyết tâm thực hiện.
Những hành vi xấu này, ngoài việc do truyền thống văn hóa, giáo dục từ nhà trường, gia đình... thì cũng một phần tới từ việc thiếu các chế tài quản lý, giáo hóa người dân trở nên văn minh hơn, biết tuân thủ pháp luật. Ở đây, có hai giải pháp là pháp trị và đức trị. Pháp trị là sự cai trị của pháp luật, tất cả mọi người đều phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải nghiêm minh, mạnh thì người dân mới sợ "không dám" làm sai. Đức trị là điều hành chính sự bằng đạo đức. Muốn làm được điều này thì những người quản lý, lãnh đạo phải là người được dân cảm phục tin yêu.
Ngoài ra, theo tôi cần quản lý, giáo hóa người dân bằng trí trị. Đó là trí thông minh của người lãnh đạo, của người dân, của tổ chức... hay có thể dùng trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo để giám sát, quản lý con người. Làm được điều này thì người dân "không thể" chối cãi, gian trá được. Họ có muốn làm sai, làm xấu cũng không được (có thể nói là trị từ trong trứng nước).
Việc kết hợp hài hòa cả ba biện pháp trên phải ở mức cao nhất để đạt hiệu quả tối ưu nhất. Trong đó, trọng tâm vẫn là pháp trị, còn đức trị, trí trị chỉ dùng để bổ trợ cho việc thực thi pháp luật được dễ dàng, thuyết phục hơn, khiến người dân dễ tuân phục.
>> Sa Pa, Đà Lạt sẽ 'mất chất' nếu chỉ chạy theo thị hiếu du khách
Để làm rõ hơn tôi xin ví dụ một câu chuyện: Khoảng năm 2007, cơ quan tôi tổ chức đi du lịch ở một nước phát triển. Anh hướng dẫn viên dặn dò mọi người trong đoàn: "Người dân nước này rất tôn kính Nhà vua, quan chức. Họ noi gương, làm theo những gì lãnh đạo giáo huấn (đức trị), nên đoàn ta qua đó cẩn thận lời ăn tiếng nói, hành động để tránh vi phạm, có thể bị phạt tù... Những hành động xấu như: vứt rác, hút thuốc, khạc nhổ, nhậu nhẹt, gây đánh nhau công cộng... đều bị phạt rất nặng (pháp trị)".
Nghe anh nói, tôi nhẩm tính tiền phạt gấp đôi, ba lương tháng chúng tôi tại thời điểm đó. Trong khi đó, ở cơ quan, hay khu phố tôi ở cũng có quy định tương tự nhưng thực tế chẳng mấy ai tuân thủ vì hiếm ai bị phạt và nếu có thì mức phạt cũng quá thấp. Có khi lãnh đạo địa phương cũng vi phạm mà chẳng ai phạt, ai dám nhắc nhở...
Nhiều người trong đoàn tôi khi đó thắc mắc: "Làm sao nhà chức trách kiểm soát được hết những hành động sai trái của người dân diễn ra khắp nơi trong xã hội?". Anh hướng dẫn viên nói: "Ở nơi công cộng, họ có camera ghi hình. Số lượng lực lượng chức năng tuy ít nhưng làm việc hiệu quả, chất lượng, công tâm, nhanh chóng, do được tuyển chọn kỹ, lương cao (trích tiền phạt cao để chi trả xứng đáng). Hơn nữa mỗi người dân cũng là một 'nhân viên bán chuyên' của nhà nước. Nếu họ quay phim, chụp hình được hành vi sai phạm, và gửi lên nhà chức trách thì sẽ được thưởng ngay một nửa số tiền mà người vi phạm bị phạt, thậm chí còn được tuyên dương và bảo vệ. Chúng ta đi đâu, làm gì cũng đều có thể đang bị giám sát, trừ nơi riêng tư, cá nhân" (trí trị).
"Nếu dân không có tiền để nộp phạt thì sao?", một người trong đoàn hỏi. Hướng dẫn viên đáp: "Thì họ bắt anh phải tìm người vi phạm khác để bù vào số tiền nộp phạt; hoặc bắt đi lao động công ích...". Mọi người im lặng, không ai nói được câu gì vì đã bị thuyết phục bởi các giải pháp thông minh, minh bạch của nước họ. Ở đó, mỗi người dân sẽ là một người giám sát trách nhiệm như câu nói của Hồ Chủ tịch: "Khó vận lần dân liệu cũng xong".
Quả nhiên, trong thời gian đoàn chúng tôi qua đó du lịch, ai ai cũng tuân thủ quy định, luật lệ nước sở tại. Mọi người bỗng trở nên văn minh, lịch thiệp hơn hẳn thường ngày. Không ai có những hành động xấu xí, hành động mất an toàn, mất vệ sinh... Tại sao vậy? Cũng những con người đó (đã được giáo dục tuyên truyền) chỉ vài ngày trước còn nguyên những thói quen xấu khi còn trong nước, vậy mà giờ đã thay đổi hoàn toàn. Thế nên, không gì là không thể thay đổi, miễn là chúng ta có những biện pháp đúng đắn.
Qua câu chuyện này cho thấy, nếu chúng ta chỉ dùng pháp trị, đức trị, có thể hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân không cao mà cần thêm trí trị - điều này làm người dân không thể chối cãi, không thể gian trá, không dám vi phạm. Nếu chúng ta áp dụng tốt thì sẽ bài trừ được triệt để hành vi xấu xí của một bộ phận người Việt.
Đã đến lúc nhà nước cần quyết liệt hơn, cứng rắn hơn, không thể cứ tuyên truyền giáo dục, nhắc nhở mãi những hành động xấu xí này như mấy chục năm qua, dù rất tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian... nhưng hiệu quả không cao. Để làm được việc này, chúng ta cần có những bước đột phá. Cần sự đồng lòng của tất cả các cấp ban ngành đoàn thể, người dân từ trung ương đến địa phương. Làm sao để các quyết định là của tập thể nhưng trách nhiệm là của cá nhân, tránh hiện tượng quyết định thì mang tính cá nhân, nhưng sai phạm thì đổ lỗi cho tập thể.
Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cần thành lập Hội đồng khoa học ngành đó để phản biện, tham mưu cho lãnh đạo thành phố những quyết sách lớn hoặc những quyết sách còn gây tranh cãi. Gần đây, những vấn đề an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, vệ sinh thực phẩm, môi trường... là những câu chuyện thời sự nóng bỏng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, sức khỏe, tính mạng của thế hệ con cháu sau này. Muốn giải quyết hết những tồn đọng đó, chúng ta cần có sự phối hợp đồng bộ, sâu sát và hiệu quả.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.