Chứng kiến hình ảnh phố Hàng Mã đầy rác sau đêm Trung thu khiến công nhân vệ sinh phải dọn đến hơn 2h sáng vẫn chưa hết, nhiều độc giả VnExpress cho rằng nguyên nhân là thiếu thùng đựng rác:
Vì sao người ta xả rác thẳng xuống mặt đường nhiều như thế? Vì ý thức hay vì không có chỗ để bỏ rác? Nếu có đủ thùng rác để người dân bỏ vào, tôi nghĩ sẽ không có rác nhiều như vậy. Tâm lý mọi người thì khi dùng xong đồ ăn đều tìm chỗ vứt rác, mà không có thùng đựng nên rất nhiều người đành chọn chỗ nào đó vứt. Sau đó, theo hiệu ứng đám đông, hàng loạt người vứt theo và cuối cùng chỗ nào cũng thành đống rác.
Tôi xem clip thấy cả đoạn đường 300 mét nhưng chẳng thấy có thùng rác công cộng nào. Vì mặt tiền buôn bán nên các tiểu thương đã tận dụng hết cỡ để trưng bày các sản phẩm, nên việc người dân xả rác ra đường là điều dễ hiểu.
Nguyên nhân chủ yếu là thùng rác thể tích quá bé nên nhanh bị tràn ra ngoài. Bên cạnh đó, người ta lại bố trí quá ít điểm đặt. Người đi chơi giờ cũng đa phần có ý thức rồi, cần xem lại cách làm của công ty vệ sinh môi trường đã phù hợp chưa?
Nhiều khi tôi hút một điếu thuốc hút ở phố đi bộ, cũng dập tắt rồi bỏ vào thùng rác. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm như vậy được. Lên phố Hàng Mã rất đông, di chuyển cũng khó, lại còn đồ chơi mua cho bọn trẻ rất lỉnh kỉnh. Hai đứa con nghịch ngợm, vợ chồng tôi mỗi người trông một đứa, vừa phải xách thêm đồ nên không thể cầm thêm túi rác được. Mà thùng rác rõ ràng là không có. Tôi thấy người ta vứt tập trung ở đó nên tôi cũng vứt. Ai cũng sẽ làm thế thôi vì hoàn cảnh. Nếu muốn sạch thì thùng rác phải sẵn sàng hoặc cấm hết các gian hàng bán đồ ăn đồ uống tại khu vực đó.
Sao những nơi đông đúc thế này, biết chắc là sẽ nhiều rác, mà công ty xử lý rác không bổ sung thêm thùng rác vào những dịp lễ Tết. Một chai nước thì có thể mang về nhà bỏ nhưng nếu một bịch rác thức ăn có nước sốt này nọ mà phải vừa đi dạo vừa vác theo sẽ rất bất tiện.
>> Công khai ảnh người xả rác Hồ Gươm không hiệu quả bằng phạt tiền 'nóng'
Không đồng tình với những lý lẽ trên, nhiều ý kiến khác kịch liệt lên án hành vi xả rác ra đường chỉ vì không thấy thùng đựng:
Dù không có quá nhiều thùng rác để phục vụ ngay khi ai đó có nhu cầu vứt rác, nhưng chúng ta cũng có thể cố cầm theo rác đến nơi có thùng rác, chứ không nên đổ lỗi để bao biện. Nếu cần lượng thùng rác để đáp ứng ngay lập tức mọi nhu cầu của người dân thì bao nhiêu cho đủ? Khu vực phố đi bộ và chợ đêm không thiếu thùng rác, chỉ có nhiều người thiếu ý thức khi vứt rác mà thôi.
Tôi thấy nhiều người ở nước ngoài còn chẳng tìm thấy thùng rác, nhưng họ vẫn tự đem rác về nhà vứt, nếu vứt ra ngoài thậm chí còn bị phạt. Do đó, đừng đổ lỗi là thiếu thùng rác. Tôi đi đường, ăn cái kẹo cũng đút rác vào balo đem về nhà. Ngay cả những nơi có nhiều thùng rác, người ta vẫn có bỏ vào đúng quy định đâu.
Nếu không gặp thùng rác thì tôi luôn để vào túi của mình hoặc cầm trên tay đến khi nào gặp thùng rác mới bỏ vô, dù là ngoài đường, trên xe hay bất kỳ đâu. Điều này khó lắm sao? Nhiều người Việt vẫn còn thói quen ăn xong vứt ngay chân mình, nhìn mà ngán ngẩm.
Rác là của bạn, chuyện vứt rác là vấn đề của bạn. Bạn phải tự đi mà giải quyết vấn đề của mình chứ đừng có chờ người khác giải quyết giùm, đừng có đổ thừa hoàn cảnh. Không tìm thấy chỗ vứt thì phải cầm theo, cầm theo không tiện thì bỏ vào balo, túi xách. Vứt rác cũng phải trả tiền chứ đâu có miễn phí. Ở thành phố, mỗi nhà đều phải đóng tiền thu gom rác hàng tháng, bạn vứt rác ra đường thì ai trả tiền rác cho bạn?
Đừng đổ lỗi cho hành động cực kỳ vô ý thức này với lý do không có nơi bỏ rác. Ở một số nước châu Á, thậm chí còn không thấy có thùng rác công cộng như ta nữa mà có thấy dân họ xả rác như ta đâu.
Xin chia sẻ câu chuyện của tôi cho mọi nguời biết: Cách đây ba năm, khi tôi đưa con bốn tuổi đi chơi Trung thu. Sau khi được mua kẹo cho ăn, tôi thấy con dấm dúi cái gì trong túi quần trên đường về. Về đến nhà, con chạy tọt xuống bếp và đi vứt cái vỏ kẹo bé xíu vào thùng rác. Tôi hỏi "con làm gì vậy?", thì con nói "khi đi chơi, con không thấy thùng rác nên mang về nhà vứt". Lần khác, trong lúc đón con đi học về, tôi có mua nước mía để hai bố con cùng uống. Khi uống xong, tôi thấy có một đống rác ở cạnh cột điện nên vứt túi xuống đó rồi đi tiếp. Đi được một đoạn con nói "bố xin lỗi con đi, hồi nãy sao bố lại vứt rác ngoài đường vậy?". Tôi cứng họng và phải xin lỗi con sau đó.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.