Độ trễ của giấc ngủ chỉ khoảng thời gian một người bình thường đi vào giấc ngủ. Mỗi người có một khoảng thời gian chuẩn vào giấc ngủ khác nhau. Trung bình một người khỏe mạnh mất khoảng 10-20 phút để ngủ sâu. Nếu thời gian đi vào giấc ngủ ngắn (dưới 8 phút), trường hợp này có thể mất ngủ hoặc ngủ không ngon do chứng rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn.
Một người có thể trải qua nhiều độ trễ giấc ngủ khác nhau, tùy vào mức độ buồn ngủ trong những thời điểm nhất định. Nếu bạn cố gắng ngủ sớm hơn bình thường, độ trễ của giấc ngủ sẽ kéo dài do cơ thể chưa mệt mỏi. Ngược lại, người thức khuya sẽ có thời gian trễ giấc ngủ ngắn.
Độ trễ của giấc ngủ đóng vai trò quan trọng cung cấp thông tin người bình thường có ngủ đủ giấc hay không. Thực tế, nhiều người cảm thấy mệt mỏi, nhưng không phát hiện tình trạng thiếu ngủ tác động tới cơ thể như thế nào. Do đó, đo độ trễ của giấc ngủ là biện pháp khách quan cung cấp kết quả về mức độ đáp ứng nhu cầu ngủ của một người.
Theo Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ y học Mỹ (AASM), độ trễ của giấc ngủ là một thước đo sử dụng với các tiêu chí khác khi đánh giá một người về khả năng rối loạn giấc ngủ. Các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng như rượu, các cơn đau mạn tính có thể cản trở khả năng ngủ của một người. Các loại thuốc cũng gây ảnh hưởng tới độ trễ của giấc ngủ, làm giảm hoặc tăng thời gian đi vào giấc ngủ tùy thuộc vào tác dụng của thuốc.
Ngoài ra, "hiệu ứng đêm đầu tiên" (hiện tượng một người khó ngủ trong đêm đầu tiên ở một nơi ở mới), cũng kéo dài độ trễ của giấc ngủ. Tuổi tác và số giấc ngủ ngắn cũng có thể ảnh hưởng.
Các chuyên gia nhận định khoảng thời gian trước khi ngủ say và hiệu quả của giấc ngủ có mối liên hệ với nhau. Hiệu quả giấc ngủ là một thước đo khác so với độ trễ của giấc ngủ nhằm cung cấp thông tin chi tiết về giấc ngủ của một người. Thời gian ngủ muộn sẽ khiến hiệu quả giấc ngủ thấp. Tuy nhiên, độ trễ giấc ngủ không là yếu tố duy nhất ảnh hưởng tới hiệu quả giấc ngủ. Hiệu quả giấc ngủ của một người có thể thấp do thức đêm hoặc dậy sớm.
Mỗi đêm, người bình thường trải qua 4 giai đoạn của giấc ngủ. Giai đoạn 1-3 là giấc ngủ chuyển động mắt không nhanh (NREM), giai đoạn cuối là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Giấc ngủ NREM chiếm phần lớn thời gian ngủ say của một người. Còn giấc ngủ REM có xu hướng liên quan đến giấc mơ, hoạt động của não khi thức.
Một chu kỳ ngủ đầy đủ mất khoảng 90-120 phút để hoàn thành. Thời gian chờ ngủ dài có thể trì hoãn thời điểm một người bước vào giai đoạn ngủ đầu tiên. Nếu có ít thời gian nằm trên giường, việc mất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ có thể không thể hoàn thành chu kỳ ngủ, không đảm bảo được giấc ngủ chuyển động mắt nhanh. Cơ thể bù đắp cho tác động này bằng cách dành thời gian cao hơn cho giấc ngủ REM.
Độ trễ của giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến độ trễ của REM. Độ trễ này được đo bằng khoảng thời gian một người đạt bước vào giai đoạn ngủ đầu tiên sau khi tắt đèn. Do đó, thước đo độ trễ REM bao gồm thước đo độ trễ khi ngủ. Một người mất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ, sẽ tốn nhiều thời gian để đạt được giai đoạn ngủ REM đầu tiên. Thời gian trễ REM ngắn hơn hoặc dài hơn bình thường có thể do việc sử dụng thuốc, thiếu ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ.
Nhằm đo độ trễ giấc ngủ của một người, các chuyên gia sẽ thực hiện bài kiểm tra độ trễ khi ngủ nhiều lần, kiểm tra độ tỉnh táo duy trì và đo đa ký giấc ngủ nhằm chẩn đoán rối loạn giấc ngủ. Theo đó, bài kiểm tra độ trễ khi ngủ nhiều lần được áp dụng với những người buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Đây là một phần của quá trình chẩn đoán chứng ngủ rũ và mất ngủ không rõ nguyên nhân.
Người khỏe mạnh có độ trễ giấc ngủ trung bình khoảng 10 phút khi thực hiện các bài kiểm tra. Người mắc chứng ngủ rũ có độ trễ giấc ngủ khoảng 8 phút hoặc ít hơn, có thể bước vào giấc ngủ REM. Trường hợp mất ngủ không rõ nguyên nhân thường có độ trễ giấc ngủ dưới 8 phút, ít khả năng đi vào giấc ngủ REM.
Nếu thường xuyên mất ngủ, ngủ không ngon, ngủ không đủ giấc... bạn có thể với bác sĩ để được khám, xác định nguyên nhân. Trường hợp mắc chứng rối loạn giấc ngủ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc hướng dẫn người bệnh tìm biện pháp khắc phục.
Minh Thúy
(Theo Sleep Foundation, Very Well Health, WebMD)