Trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhiều đường có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng theo thời gian, dẫn đến nguy cơ cao bị kháng insulin, mắc tiền tiểu đường và bệnh tiểu đường. Việc sử dụng quá nhiều đường còn có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, hoạt động, mức độ hiếu động cũng như sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Dưới đây là một số mẹo phụ huynh có thể giúp con hạn chế đường trong khẩu phần ăn uống hằng ngày.
Hạn chế đồ uống có đường: Bố mẹ nên loại khỏi khẩu phần ăn mỗi ngày của trẻ đồ ăn uống chứa đường, nhất là đường nhân tạo như nước ngọt, nước có ga, đồ uống thể thao, soda... Ngoài ra, các loại nước trái cây, nước ép cũng nên hạn chế trong thực đơn. Trẻ uống quá nhiều nước ép mỗi ngày có thể dẫn đến dư thừa lượng đường tích tụ.
Rèn luyện vị giác: Một mẹo khác mà ba mẹ có thể thử để giúp trẻ giảm đường là rèn luyện khẩu vị của con ngay từ khi con bé. Cho trẻ ăn dặm bằng thức ăn nhạt, không thêm đường vào thức ăn. Từ khi còn bé, ba mẹ nên hạn chế cho con làm quen với những đồ ăn vặt chứa quá nhiều đường như bánh kẹo, mứt...
Đọc kỹ nhãn thực phẩm: Phụ huynh nên học cách đọc nhãn thực phẩm, tìm hiểu thành phần trong các thực phẩm mua trên thị trường để biết được tổng lượng đường, chất ngọt bổ sung. Từ những chỉ số này, ba mẹ có thể cân đối các loại thực phẩm chứa đường khác và giảm lượng đường tổng thể mà con có thể tiêu thụ mỗi ngày.
Chọn thực phẩm giàu chất xơ: Ba mẹ nên chọn những thực phẩm có ít hơn 10 g đường và nhiều hơn 5 g chất xơ. Trẻ ăn nhiều chất xơ sẽ cảm thấy no lâu hơn, giảm lượng cholesterol. Điều này đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ bị tiền tiểu đường và tiểu đường.
Một số sản phẩm có hàm lượng chất xơ cao và chứa nhiều đường tự nhiên mà phụ huynh có thể chọn cho con như trái cây, rau xanh, rau mầm, các loại hạt...
Tự làm đồ ăn nhẹ lành mạnh cho trẻ: Thực phẩm đã qua chế biến thường sử dụng thêm đường và các chất bảo quản. Người lớn nên ưu tiên cho con sử dụng sản phẩm tự làm tại nhà, chứa ít đường nhất có thể hoặc chọn loại đường tự nhiên.
Anh Chi (Theo Cleveland Clinic)