Trả lời:
Sỏi đường mật trong gan (sỏi gan) là những viên sỏi có nhiều trong ống gan phải, ống gan trái và các ống mật phân thùy. Thành phần chủ yếu của sỏi này là bilirubin.
Sỏi mật trong gan hình thành do nhiễm trùng đường mật, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, dịch mật ứ đọng. Một số yếu tố dẫn đến hình thành sỏi gồm chít hẹp đường mật, dị dạng đường mật hoặc tắc nghẽn do khối u, béo phì, lười vận động.
Bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị dựa vào thông tin bệnh cảnh lâm sàng, kết quả chẩn đoán và triệu chứng biểu hiện. Các phương pháp phổ biến như:
Điều trị nội khoa có thể được chỉ định tạm thời để kiểm soát chức năng gan. Người bệnh được dùng thuốc tan sỏi, thuốc giảm đau... nhằm giải quyết các triệu chứng. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp điều trị tối ưu, khả năng khỏi bệnh không cao, có thể tiến triển thành biến chứng.
Tán sỏi bằng laser qua nội soi là kỹ thuật được áp dụng thường quy. Bác sĩ nội soi vào đường mật và dùng tia laser làm vỡ viên sỏi. Những viên sỏi sau khi tán nhỏ theo đường mật xuống ruột non và đào thải ra ngoài. Người bệnh có sỏi lớn đường mật trong gan cần được thực hiện thủ thuật nhiều lần. Đây là phương pháp điều trị tiên tiến, ít xâm lấn và an toàn.
Phẫu thuật nội soi thường được chỉ định điều trị sỏi đường mật trong gan kèm sỏi ống mật chủ với nhiều ưu điểm như ít xâm lấn, ít đau sau mổ, phục hồi nhanh. Phẫu thuật nội soi cũng có thể áp dụng với những trường hợp đã mổ trước đó nhiều lần bằng mổ mở hay mổ nội soi.
Phẫu thuật mổ mở điều trị sỏi đường mật trong gan được áp dụng những trường hợp có sỏi mật trong gan phức tạp, đã mổ nhiều lần, tiên lượng ung thư đường mật hoặc có biểu hiện teo gan do sỏi. Trường hợp người bệnh có tình trạng áp xe trong gan, cần cắt bỏ phân thùy gan cùng với sỏi đường mật trong gan. Chỉ định này nhằm ngăn chặn tối đa khả năng nhiễm trùng và tiến triển thành ung thư đường mật sau này.
Sỏi đường mật đã xuất hiện triệu chứng nhưng không được điều trị dễ dẫn đến suy giảm chức năng gan. Người bệnh có thể bị suy nhược cơ thể, sốc nhiễm trùng đường mật, viêm phúc mạc mật, hoại tử và chảy máu đường mật. Sỏi đường mật mạn tính trong gan có thể gây xơ gan và ung thư gan.
Trường hợp mẹ bạn có sỏi trong gan, cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, gan mật tụy. Nên ưu tiên đến bệnh viện có đầy đủ các chuyên môn, kỹ thuật điều trị để tùy thực tế bác sĩ chọn phương pháp phù hợp. Mẹ bạn cần duy trì ăn uống khoa học, tập luyện hàng ngày để tăng vận động đường mật và tránh ứ mật trong gan, ngăn sỏi gan diễn tiến xấu.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Công Khánh
Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |