Trả lời:
Bướu cổ lành tính chỉ cần theo dõi và không phải can thiệp. Tuy nhiên, một số bướu phát triển lớn có thể chèn ép cổ họng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Bên cạnh phẫu thuật, hiện nay phương pháp đốt bướu cổ bằng sóng cao tần đang được áp dụng điều trị cho những trường hợp lành tính.
Điều trị bướu cổ bằng sóng cao tần là phương pháp sử dụng tần số vô tuyến thu nhỏ kích thước bướu. Người bệnh được đặt một điện cực ở vị trí trung tâm bướu. Sau đó, bác sĩ đưa dòng điện từ máy truyền đến bướu qua một điện cực dạng kim. Năng lượng từ sóng vô tuyến truyền vào đầu kim và sinh nhiệt phá hủy bướu.
Phương pháp này ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật hoặc liệu pháp iốt phóng xạ, giảm nguy cơ mất mô giáp lành lân cận, từ đó giảm nguy cơ phát triển suy giáp nguyên phát, hạn chế sẹo và giúp người bệnh hồi phục nhanh.
Bác sĩ chỉ định đốt bướu cổ bằng sóng cao tần tùy kích thước, vị trí bướu và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Kỹ thuật này được chỉ định cho những trường hợp, như nhân bướu đặc, có kết quả sinh thiết lành tính; bướu gây chèn ép vùng cổ hoặc các vấn đề về thẩm mỹ; các hạch tuyến giáp hoạt động quá mức; bệnh bướu cổ nhưng không thể thực hiện phẫu thuật do dị ứng thuốc gây mê.
Phương pháp này chống chỉ định với phụ nữ mang thai, người có nhịp tim không ổn định, bướu ở gần dây thần kinh, dây thanh âm, thực quản hoặc các mạch máu lớn.
![Bác sĩ Khuyên khám cho người bệnh tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/03/27/bs-khuyen-2728-1711503630.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wfxo1Nw9JzOC4QFiXbnYOQ)
Bác sĩ Khuyên khám cho người bệnh tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp.
Phương pháp này giúp giảm kích thước bướu gần 85% trong 6 tháng đầu. Sau khi đốt bướu cổ bằng sóng cao tần, người bệnh có thể bảo tồn được tối đa tuyến giáp và các mô xung quanh, không phải bổ sung hormone tuyến giáp, không để lại sẹo, độ an toàn cao, đốt chính xác đến từng milimet nhân bướu.
Người bệnh không phải uống thuốc sau điều trị, biến chứng thấp, thể tích bướu giảm dần theo thời gian, thời gian can thiệp nhanh, xuất viện trong ngày. Sau điều trị, người bệnh hoạt động sinh hoạt, ăn uống, làm việc bình thường.
Bên cạnh những ưu điểm, kỹ thuật cắt đốt bướu cổ bằng sóng cao tần cũng có những rủi ro như chảy máu, khàn giọng, bỏng da, nhiễm trùng, tổn thương dây thanh quản. Những biến chứng hiếm gặp gồm tổn thương khí quản, thực quản và dây thần kinh quặt ngược thanh quản nhưng có thể kiểm soát được.
Cắt đốt bướu cổ bằng sóng cao tần là phương pháp xâm lấn tối thiểu, an toàn, hiệu quả, được dùng thay thế cho phẫu thuật hoặc liệu pháp iốt phóng xạ ở những người có bướu nhỏ, lành tính, không muốn để lại sẹo xấu vùng cổ.
Bạn nên chọn điều trị bướu cổ bằng sóng cao tầng tại bệnh viện uy tín, trang thiết bị y tế hiện đại, bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao nhằm hạn chế thấp nhất biến chứng.
BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |