Trong khi ngủ, cơ thể tiết ra các hormone giúp kiểm soát thèm ăn, trao đổi chất và xử lý glucose (đường). Thiếu ngủ làm gia tăng sản xuất và mất cân bằng các hormone ảnh hưởng đến các quá trình này, tác động đến thần kinh, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì.
Ngủ 7-9 giờ mỗi đêm là cách tốt để bảo vệ cơ thể khỏi các nguy cơ bệnh tật. Dưới đây là những điều xảy ra với cơ thể khi bạn không ngủ trong khoảng 24-72 giờ.
Sau 24 giờ
Theo tiến sĩ John Cline, Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ, người không ngủ sau 24 giờ bị suy giảm trí nhớ, khả năng phối hợp tay - mắt, quyết định và phán đoán kém hơn. Do các hormone gây căng thẳng là cortisol và adrenaline tăng lên, cơ thể cố gắng hoạt động sau một ngày không ngủ. Người thiếu ngủ dài có xu hướng phản ứng cảm xúc nhiều hơn, giảm khả năng chú ý, suy giảm thính lực và tăng nguy cơ tai nạn.
Nghiên cứu năm 1999 của Bệnh viện Queen Elizabeth (Australia) trên 22 người, cho thấy hậu quả của việc thiếu ngủ 24 giờ có thể so sánh với suy giảm nhận thức ở người có nồng độ cồn trong máu 0,1%. Mức độ suy giảm nhận thức này đủ để gây nguy hiểm khi lái xe, làm việc trên cao... Khả năng phản ứng, suy nghĩ chậm lại, nói ngọng có thể xảy ra nếu một ngày không ngủ.
Sau 36 giờ
Lúc này, sức khỏe thể chất bắt đầu bị ảnh hưởng tiêu cực. Tình trạng viêm trong máu có thể dẫn đến bệnh tim mạch và huyết áp cao. Theo Hệ thống Y tế Mayo Clinic (Mỹ), một đêm ngủ khỏe mạnh bình thường, huyết áp giảm khoảng 10-20%. Nếu giấc ngủ gián đoạn mạn tính, huyết áp duy trì ở mức cao, là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp.
Hormone cũng bị ảnh hưởng khiến cho cảm xúc xáo trộn. Theo nghiên cứu năm 2016 của Trường Đại học Y khoa bang Pennsylvania (Mỹ), sau 36 giờ không ngủ, cơ thể tiếp tục bơm cortisol vào máu, tăng nhịp tim và huyết áp để cơ thể tỉnh táo. Tình trạng này gây căng thẳng liên tục làm tăng cảm giác lo lắng và thay đổi tâm trạng.
Suy giảm nhận thức cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Cơ thể uể oải và phản ứng chậm, trí nhớ mơ hồ và không có khả năng tập trung, hiểu và xử lý thông tin. Nghiên cứu khác năm 1997 của Trường Đại học Bang Louisiana (Mỹ) cho thấy 35 sinh viên thức trong 36 giờ phản ứng chậm với thay đổi và kích thích từ môi trường xung quanh.
Sau 48 giờ
Sau 48 giờ không ngủ, cơ thể bắt đầu bù đắp bằng cách ngừng hoạt động trong 3-15 giây nhiều lần, bộ não cũng ngừng hoạt động trong vài giây mỗi lần đó. Bạn không ý thức được điều gì đang xảy ra trong khoảng thời gian não ngừng hoạt động.
Theo tiến sĩ Hussam Al-Sharif, Hệ thống y tế Mayo Clinic (Mỹ), sau hai ngày không ngủ, bạn cảm thấy khó chịu, lo lắng, trí nhớ mù mờ và suy nghĩ kém hơn, có thể gặp phải ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những thứ không có thật).
Hệ thống miễn dịch cũng bị ảnh hưởng. Theo nghiên cứu của Trường Y Cerrahpasa (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 1999 trên 16 tình nguyện, tế bào NK (tế bào tiêu diệt tự nhiên) giảm 37% sau 48 giờ không ngủ. Tế bào NK có vai trò chống lại virus và hình thành khối u.
Sau 72 giờ
Khả năng tập trung, động lực, nhận thức đều suy giảm nghiêm trọng, có thể xảy ra ảo giác, hoang tưởng. Người bị thiếu ngủ nhiều giờ cảm thấy đau khổ và rối loạn chức năng. Tần suất và thời lượng não ngừng hoạt động cũng tăng lên. Đây là phản ứng bảo vệ của cơ thể, những khoảnh khắc não nghỉ ngơi không chủ ý thoáng qua này dễ gây tai nạn nếu lái xe, vận hành thiết bị, máy móc.
Năm 2015, các nhà khoa học của Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc) nghiên cứu về tác động của 72 giờ không ngủ với cơ thể. Theo đó, 12 phi hành gia thức suốt ba ngày có nhịp tim tăng, tâm trạng tiêu cực cao hơn và cảm xúc tích cực thấp hơn so với người có giấc ngủ bình thường.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |