Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết bữa sáng quan trọng nhất trong ngày. Bữa ăn cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp cải thiện khả năng giải quyết vấn đề, trí nhớ, mức độ tập trung, nhận thức và tư duy sáng tạo. Trẻ ăn sáng có xu hướng ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất nhiều hơn và duy trì trọng lượng cơ thể ổn định.
Bỏ bữa ăn sáng khiến cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng. Quá trình trao đổi chất chậm lại làm cho bé có xu hướng cạn kiệt năng lượng, cảm thấy mệt mỏi, mất tỉnh táo... Khi cơ thể mệt mỏi, trẻ rất khó tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập.
Người thường xuyên bỏ bữa sáng có nguy cơ mắc bệnh béo phì và các bệnh mạn tính liên quan đến béo phì cao hơn. Xu hướng ăn nhiều vào bữa trưa và bữa tối dẫn tới thức ăn không kịp tiêu hóa hết khiến nhiệt lượng cơ thể tăng, lượng mỡ tích tụ lại ngày càng nhiều.
Bên cạnh không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho học tập và hoạt động tại trường, trẻ không ăn sáng có thể không thể phát triển chiều cao tối ưu. Bé còn có nguy cơ viêm loét dạ dày do dạ dày luôn phải co bóp khi trống rỗng, dịch vị tiết ra nhưng không có thức ăn để tiêu hóa, dần dẫn đến viêm loét.
Bỏ bữa sáng cũng làm giảm lượng đường hấp thụ và phải giải phóng các kích thích tố để bù đắp lại lượng đường thấp trong cơ thể. Điều này có thể gây đau đầu và chứng đau nửa đầu. Trẻ cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn và cáu kỉnh.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí The Journal of Nutrition, bỏ bữa sáng mỗi tuần một lần có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn 6%. Nguy cơ tăng lên 55% nếu bỏ bữa sáng 4 hoặc 5 lần mỗi tuần. Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo trẻ em và thanh thiếu niên nên ăn sáng để có trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, cải thiện dinh dưỡng, trí nhớ, điểm kiểm tra và tốc độ chú ý.
Thưởng thức bữa sáng cùng với gia đình có thể là khoảng thời gian kết nối, trò chuyện, cách giúp trẻ xốc lại tinh thần, chuẩn bị cho ngày mới và tâm lý thoải mái. Bữa sáng cho trẻ nên cung cấp đủ chất xơ, bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất để tăng cường khả năng chú ý, tập trung và trí nhớ.
Tùy vào từng lứa tuổi, trọng lượng cơ thể, giới tính, mức độ hoạt động và sức khỏe ở từng thời điểm mà trẻ được khuyến nghị lượng calo mỗi ngày phù hợp. Trẻ nhỏ 2-3 tuổi cần khoảng 1.000 - 1.400 calo mỗi ngày và tăng lên tùy thuộc vào mức độ hoạt động. Với trẻ 4-8 tuổi, mức calo ban đầu có thể là 1.200 calo mỗi ngày và dần tăng lên 1.800 calo với bé gái, 2.000 calo với bé trai. Cha mẹ cần bổ sung lượng calo 1.400-2.200 với bé gái và 1.600-2.600 calo với bé trai 9-13 tuổi.
Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, lượng calo khuyến nghị trong độ tuổi 13 ở bé gái là 1.600-2.200 calo và bé trai là 2.000-2.600. Trong những năm cuối giai đoạn thiếu niên, lượng calo tăng nhẹ, nữ 14-18 tuổi là 1.800-2.400 calo và 2.000-3.200 calo ở nam cùng độ tuổi.
Hoài Thương
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |