Huyết áp gồm huyết áp tâm thu chỉ áp lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim bơm máu và huyết áp tâm trương là áp lực của máu lên thành mạch khi máu trở về tim. Huyết áp bình thường khi chỉ số tâm thu dưới 120, tâm trương dưới 80. Huyết áp cao khi huyết áp tâm thu ≥140 và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90 mmHg.
Theo ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, thói quen ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, béo phì, tuổi già và di truyền đều góp phần gây tăng huyết áp. Một số tình trạng sức khỏe dưới đây cũng có thể liên quan đến bệnh này.
Xơ vữa động mạch: Do sự tích tụ mảng bám hoặc chất béo trên thành mạch máu. Tăng huyết áp có thể gia tăng áp lực lên thành động mạch, góp phần hình thành mảng bám.
Bệnh động mạch vành: Phát triển do mảng bám tích tụ trên thành động mạch làm hạn chế lưu lượng máu đến nuôi cơ tim. Tăng huyết áp dẫn đến tổn thương động mạch vành, khiến chúng dễ tích tụ mảng bám và tắc nghẽn.
Bệnh tim: Suy tim (tim bơm máu kém), tim thiếu máu cục bộ (mô tim không nhận đủ oxy máu) đều liên quan đến huyết áp cao do lượng máu tới tim giảm hoặc thất thường. Tăng huyết áp kéo dài cũng có thể khiến tâm thất trái giãn ra và suy yếu, gọi là bệnh cơ tim giãn nở do tăng huyết áp.
Bệnh thận mạn: Tăng huyết áp có thể phá vỡ các mạch máu và bộ lọc trong thận, giảm bài tiết chất thải. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, đây là nguyên nhân đứng thứ hai gây suy thận. Ngược lại, bệnh thận cũng có thể gây ra huyết áp cao, khi xảy ra sự mất cân bằng các chất điện giải bao gồm kali và natri.
Đột quỵ: Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ do tổn thương mạch máu. Nó không chỉ khiến mảng bám vỡ ra mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim. Cả hai trường hợp đều có thể ngăn chặn lưu lượng máu đến não.
Bệnh về mắt: Huyết áp tăng cao làm tổn thương mạch máu trong mô nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau của mắt (võng mạc). Điều này có thể dẫn đến chảy máu trong mắt, mờ mắt và mất thị lực hoàn toàn. Người có bệnh tiểu đường cùng với huyết áp cao càng tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc.
Bác sĩ Kiều cho biết có hai loại tăng huyết áp vô căn (nguyên phát) và thứ phát. Tăng huyết áp vô căn có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ nhất định như di truyền, tuổi tác, chế độ ăn uống và lối sống. Do đó, thay đổi lối sống và chế độ ăn có thể giảm khả năng mắc bệnh. Loại thứ phát thường xảy ra nhanh chóng, do một số nguyên nhân bao gồm bệnh chủ mô thận, hẹp động mạch thận, u tuyến thượng thận, cường giáp...
Phương pháp điều trị tập trung vào nguyên nhân. Ngoài dùng thuốc, người bệnh cũng nên thay đổi lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, ăn uống đủ chất.
Theo bác sĩ Kiều, huyết áp cao thường không có triệu chứng điển hình nên người bệnh không cảm nhận được. Bệnh thường được chẩn đoán khi khám sức khỏe tim mạch, đo huyết áp. Nếu có người thân tăng huyết áp hoặc các yếu tố nguy cơ khác như bệnh thận, béo phì, ăn nhiều muối, thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc lá... nên khám sức khỏe định kỳ.
Bảo Bảo
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |