Do dị tật, bàn chân của bệnh nhi biến dạng, gót chân xoay đổ ra ngoài, khớp gối chụm hướng vào nhau. Khi chạy nhảy, bé dễ té ngã do bàn chân không đủ linh động, một bên giày thường mòn nhanh hơn bên còn lại.
Ngày 18/8, BS.CKI Nguyễn Văn Ơn, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy vòm bàn chân của bệnh nhi rất thấp, gần như phẳng hoàn toàn do hội chứng bàn chân bẹt. Tình trạng này thường chỉ xảy ra ở trẻ dưới hai tuổi, sau đó vòm bàn chân dần hình thành cùng hệ thống dây chằng. Một số trẻ lớn hơn hai tuổi lòng bàn chân vẫn phẳng, không lõm vào gây ra bàn chân bẹt.
Bố mẹ Phúc Nguyên cho biết đã phát hiện con đi bất thường từ khi còn nhỏ, dùng các loại đế giày định hình lòng bàn chân trong một thời gian nhưng không hiệu quả.

Phim chụp X-quang trước phẫu thuật cho thấy vòm bàn chân bệnh nhi gần như bằng phẳng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Ơn, hội chứng bàn chân bẹt làm cơ và dây chằng căng quá mức trong thời gian dài, gây đau nhức. Các xương ở cẳng chân xoay khi đi lại, chạy nhảy, khiến khớp gối xoay lệch, dẫn tới đau và viêm, thoái hóa khớp gối sớm. Dáng đi của trẻ thay đổi, ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác như mắt cá chân, đầu gối, bắp chân, hông, thắt lưng, cẳng chân... Về lâu dài, tình trạng này làm tổn thương khớp gối, khớp háng và cả cột sống.
Bàn chân bẹt thường được điều trị bảo tồn, nhưng cách này chỉ hiệu quả với trẻ dưới 7 tuổi. Phương pháp điều trị tối ưu cho bé Nguyên là phẫu thuật.
Bác sĩ mở một đường nhỏ khoảng 1-1,5 cm ở cạnh ngoài của bàn chân, bắt vít vào để nâng vòm bàn chân lên, bó bột giữ ổn định độ cong. Phương pháp này không làm tổn thương hệ thống cơ, gân... Người bệnh ít đau, ít mất máu, giảm nguy cơ nhiễm trùng và phục hồi nhanh hơn.
Dự kiến sau 4 tuần, bệnh nhi được tháo bột và đánh giá tình trạng vòm bàn chân. Nếu hồi phục tốt, dáng đi sẽ thay đổi, giảm té ngã. "Con rất vui vì sắp tới có thể chạy nhảy, chơi thể thao như bạn bè", Phúc Nguyên nói.

Bác sĩ Ơn kiểm tra tình trạng của bệnh nhi trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Hội chứng bàn chân bẹt là dị tật bẩm sinh rất phổ biến, cần được phát hiện càng sớm càng tốt, theo bác sĩ Ơn. Khi đó, quá trình điều trị dễ dàng hơn, ngăn ngừa biến chứng ảnh hưởng đến cấu trúc lưng, cổ và bàn chân.
Phụ huynh có thể nhận biết bằng cách quan sát tư thế đứng và dáng đi của con. Ở giai đoạn sớm, cấu trúc bàn chân có thể cải thiện bằng cách sử dụng đế chỉnh hình. Đế được sản xuất bằng công nghệ in 3D với các thông số phù hợp cho từng bé. Đế chỉnh hình giúp phân bố lại trọng lực tác động lên các mô bàn chân, mắt cá chân, chi dưới, tái tạo vòm và nâng đỡ bàn chân.
Phi Hồng
Độc giả có thắc mắc về bệnh cơ xương khớp có thể đặt câu hỏi tại đây để bác sĩ giải đáp.