Một số doanh nghiệp thường ưu tiên tuyển dụng dựa theo độ tuổi. Họ tuyển người trẻ để bào mòn sức trẻ của nhân viên, đến khi sức khỏe nhân viên suy giảm, họ đào thải không thương tiếc. Họ không hề có suy nghĩ nhìn người vì cũng không có ý định sẽ đào tạo, bồi dưỡng nhân viên phát triển cùng với sự phát triển của công ty. Họ chỉ cần ai khỏe và có chút kiến thức đủ đáp ứng được công việc đơn giản là xong.
Những công ty có quan điểm nhìn người sẽ không bao giờ giới hạn độ tuổi ứng viên, do mỗi lứa tuổi đều có những ưu - khuyết điểm riêng. Người nhiều tuổi có thể không nhanh nhẹn bằng lứa trẻ, nhưng bù lại, họ có sức chịu đựng tốt hơn, gắn bó cũng lâu hơn, chưa kể họ có kinh nghiệm xử lý công việc và các mối quan hệ nữa. Vậy nên, công ty tốt sẽ luôn mở rộng lứa tuổi tuyển dụng để gia tăng cơ hội chọn đúng ứng viên cho các vị trí khác nhau. Ngoài ra, họ cũng chọn lựa rất kỹ cho một mối quan hệ hợp tác lâu dài.
Nhiều công ty cứ đua nhau bóc lột nhân viên trẻ, đến khi họ già đi thì lập tức bị sa thải theo kiểu "vắt chanh bỏ vỏ", bằng con mắt đầy định kiến rằng "nhân viên lớn tuổi cho năng suất kém". Sao họ không nhìn rộng ra một chút rằng giữa mấy nhân viên trẻ mới vào làm và mấy lãnh đạo cấp trung, cấp cao, ai là người quý, cống hiến cho công việc, chấp nhận bận rộn và tập trung làm việc hơn?
Các bạn có biết, một vị trí trưởng, phó phòng mà bị khuyết sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động lẫn doanh thu của doanh nghiệp nhiều thế nào không? Tùy vào mức độ ảnh hưởng của vị trí bị khuyết, tôi sẵn sàng trả thêm 10-20 triệu đồng mỗi tháng, thậm chí nhiều hơn cho ứng viên với kinh nghiệm sẵn có (nhiều tuổi một chút), vì chỉ một thời gian ngắn là anh ta đã có thể làm quen được tổ chức và trám vào lỗ hổng, tránh kéo dài, ảnh hưởng xấu đến công ty.
Còn tuyển một ứng viên trẻ thiếu kinh nghiệm chỉ để tiết kiệm vài đồng bạc, với tôi là "đếm cua trong lỗ". Tính cả thời gian và công sức để đào tạo nhân viên trẻ tới khi đáp ứng được vị trí công việc thì công ty mất thêm tới bao nhiêu? Rồi nếu anh ta vẫn không đáp ứng được thì sao, tôi lại tìm cách đuổi đi để tuyển người mới từ đầu hay sao? Rồi lấy lý do gì mà đuổi khi họ vẫn đang làm tốt vị trí chuyên viên được tuyển, chỉ không làm tốt vị trí trưởng phó phòng mà tôi đang cần bổ sung thôi.
Vậy nên, doanh nghiệp nào mà tuyển người trẻ chỉ vì lý do tiết kiệm chi phí thì chỉ chứng tỏ tầm nhìn ban lãnh đạo hạn hẹn, kinh doanh kiểu ăn xổi và thường thì những doanh nghiệp đó khó mà tồn tại lâu.
Nhiều nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi kinh nghiệm ngay cả với những ứng viên mới tốt nghiệp đại học. Người lao động mới ra trường thường ứng tuyển vào các vị trí thấp nhất (nhân viên) chứ có ai nộp vào vị trí quản lý đâu mà đòi kinh nghiệm? Mới ra trường thì làm gì có kinh nghiệm, ai cũng không cho họ cơ hội làm việc thì đào đâu ra kinh nghiệm? Và họ đã đi làm thì dù có bị giao mấy việc vặt như pha trà, rót nước, photo tài liệu... thì đó cũng vẫn là làm việc, không thể khinh thường.
Vì thế, lấy lý do học hỏi để dìm lương, thậm chí không trả lương thử việc cũng là một hình thức bóc lột. Nếu xem là học việc thì bạn phải là tổ chức giáo dục có chứng nhận, giáo trình giảng dạy và bằng cấp được công nhận. Khi đó, người ta sẽ trả tiền cho bạn để được học việc. Còn ngược lại, họ đi làm cho bạn, thì bạn phải trả công họ, làm được ít thì lương thấp, được nhiều việc thì lương cao. Nhưng nhiều công ty ở Việt Nam đang bóc lột sức trẻ, đến khi nhân viên có tuổi một chút thì lại tìm cách thải ra chứ không hề tạo cơ hội lẫn điều kiện để họ được học hỏi, thăng tiến hơn trong công việc. Vậy thì tại sao không được trách?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.