Đọc bài viết "Đòi hỏi kinh nghiệm vô lý khi xin việc", tôi thấy nhiều bạn trẻ vẫn đang hiểu sai về yêu cầu kinh nghiệm từ phía các nhà tuyển dụng. Một sinh viên mới ra trường như tôi thì lấy đâu ra hai chữ "kinh nghiệm" để đáp ứng được điều kiện của các nhà tuyển dụng nhân sự? Tôi xin phép được trả lời câu hỏi này như sau:
Thực ra, ngay từ quãng thời gian còn ngồi trên giảng đường, các sinh viên đã có cơ hội tiếp cận với công việc thông quan quá trình đi thực tập những năm cuối. Trong thời gian này, nếu thể hiện tốt năng lực của bản thân, bạn hoàn có thể được chính công ty mình thực tập nhận vào làm luôn ngay sau khi ra trường mà chẳng cần mất nhiều thời gian đi xin việc, phỏng vấn...
Còn nếu không làm được vậy, bạn vẫn hoàn toàn có thể "đi đường vòng" để tìm một công việc phù hợp với mình. Trước đây, trong thời gian học đại học, tôi thường dành buổi tối để đi học thêm tiếng Trung. Đến đợt thực tập, tôi không muốn làm việc một cách nhạt nhẽo, nên quyết tâm xin vào một công ty của Đài Loan. Với vốn tiếng Trung của mình, tôi được nhận vào làm nhân viên kinh doanh (chức danh là vậy, nhưng thực chất là nhân viên giao hàng).
Từ đó, ngày nào, tôi cũng theo xe của công ty đi giao hàng khắp nơi. Sau hai tháng thử việc, công ty đó quyết định giữ tôi lại làm tiếp. Nhưng sau cùng, tôi không ở lại, do nhận thấy môi trường không có khả năng phát triển.
>> Đòi hỏi lòng trung thành khi phỏng vấn tuyển dụng
Tôi tiếp tục xin qua một công ty khác, cũng làm kinh doanh, nhưng chuyên môn cao hơn, với mức lương khá hơn. Khi phỏng vấn, tôi nói rằng mình "có kinh nghiệm làm việc hai tháng cùng vị trí tại công ty trước", và tôi được nhận. Làm thêm được hai tháng, cũng là lúc tôi kết thúc thời gian bốn tháng thực tập theo quy định, tôi xin nghỉ để về ôn thi tốt nghiệp.
Trước khi nghỉ, tôi cũng nói rõ với phía công ty rằng muốn làm đúng chuyên ngành, nên sau khi tốt nghiệp sẽ đi xin việc khác. Nghe vậy, đại diện công ty ngỏ ý sẵn sàng cho tôi nghỉ một tháng để ôn thi, và sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục quay lại làm việc. Họ hứa sẽ bố trí việc đúng chuyên môn cho tôi, chế độ đãi ngộ cao hơn bây giờ.
Vậy mới nói, "kinh nghiệm" thực ra không phải là cái gì đó quá cao siêu như nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ. Đôi khi, các nhà tuyển dụng hỏi ứng viên những câu hỏi về kinh nghiệm, chẳng qua cũng chỉ là hình thức để nắm bắt và đánh giá cách bạn xử lý vấn đề như thế nào mà thôi. Nếu công ty đó không quá cần người có kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng, họ vẫn sẽ sẵn sàng nhận và đào tạo những người chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng bộc lộ được tố chất. Tóm lại, cơ hội là do mỗi người tự tạo ra mà thôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.