Đọc bài viết "Con tôi nhảy việc sáu lần sau 5 năm ra trường" cùng nhiều bình luận của độc giả, tôi cho rằng nhiều người trẻ đang có những lầm tưởng về chuyện nhảy việc nhiều.
Theo tôi, việc mới chỉ làm vài ba tháng cũng chưa thể giúp bạn biết chính xác về công việc của mình, nhất là với sinh viên mới ra trường. Bất cứ công việc gì, bạn cũng phải bỏ thời gian và công sức vào thì mới thấy nó đáng hay không? Còn nếu chỉ nhìn mức lương và làm vài tháng thử việc mà bảo rằng công việc này không tốt rồi chăm chăm nhảy việc thì chắc chắn đó sẽ là một quyết định vội vàng.
Ở đây, đương nhiên là các bạn nhân viên đều được quyền nhảy việc, nhưng các công ty cũng có quyền không tuyển dụng các bạn sau này dựa trên lịch sử nhảy việc của họ. Công ty tôi luôn thống nhất một quan điểm chung, đó là với tất cả những CV ứng tuyển theo kiểu làm 6-7 chỗ khác nhau trong 2-3 năm thì chắc chắn sẽ bị loại ngay, không cần gọi phỏng vấn, vì nhiều khả năng họ cũng sẽ không gắn bó gì với mình.
Lộ trình phát triển thì tôi tin là công ty bài bản nào cũng có, liên quan đến nhiệm vụ của nhân viên từ lúc mới vào làm cho đến lúc lên chức, và mỗi năm đều có đánh giá của cấp trên về thể hiện cũng như mục tiêu công việc. Nếu đã tìm hiểu kỹ mà bạn vẫn muốn nghỉ làm thì không sao, nhưng thực tế có một số bạn trẻ chỉ nhìn mức lương tăng trong năm đầu rồi đã lập tức thất vọng, thể hiện thái độ bất mãn rồi đòi nghỉ luôn, đó là một suy nghĩ rất không nên.
Hãy tự hỏi liệu bạn qua chỗ mới, lương mỗi năm có tăng đều 20-30% như kỳ vọng không? Hay họ tăng một năm đầu cho bạn, rồi dậm chân tại chỗ trong 2-3 năm tiếp theo? Tôi chỉ khuyên các bạn trẻ nên có kế hoạch lâu dài để phát triển sự nghiệp, chứ đừng chạy theo đồng tiền trước mặt rồi sau 5 năm nhìn lại, cái gì cũng lỡ cỡ thì không hay lắm. Bạn sẽ đi làm trong 30-40 năm chứ không phải vài ba năm đâu nên đừng so kè cái trước mắt.
>> Ảo tưởng sức mạnh khi nhảy việc liên tục
Nhiều bạn trẻ gọi việc làm việc lâu tại một tổ chức là an phận, nhưng thực ra từ đó chỉ dành cho những người đúng nghĩa là không có một kế hoạch nào để thăng tiến cả. Còn người có kế hoạch, họ sẽ làm tốt nhất với những gì mà họ có, và sẽ chỉ thay đổi khi họ thấy không còn có khả năng làm tốt hơn với những gì ở hiện tại.
Tôi đang nói các công ty đàng hoàng, hoặc doanh nghiệp nước ngoài với mọi thứ đều đạt chuẩn. Còn nếu bạn vào làm mà công ty "lừa đảo" thì nên nghỉ ngay mà luôn không cần đắn đo. Thứ mà một nhân viên cần nhất là một công ty đánh giá chính xác sự đóng góp của họ và cho họ một hướng phát triển tốt. Còn cái gọi là "chế độ hấp dẫn" thì chẳng qua là để lừa thiên hạ thôi.
Bạn tôi từng vào làm cho một doanh nghiệp chủ đầu tư, lương cứng của bạn gấp rưỡi tôi cách đây ba năm, thưởng Tết những ba tháng lương. Nhưng làm được một năm rưỡi thì bị thẳng tay cho nghỉ việc vì lý do "công ty hết dự án". Còn tôi thì duy trì công việc vuc, giờ được lên hai bậc, lương gấp đôi ba năm trước, tôi có công việc ổn định và tiếp tục được định hướng phát triển. Bạn tôi giờ phải đi làm ngoài công trường, nắng nôi, cực khổ, với mức lương chỉ bằng một nửa lúc trước. Lấy một ví dụ như vậy để các bạn hiểu rằng, nhảy việc nhiều chưa chắc đã bằng gắn bó với một công ty lâu dài.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.