Thời điểm cuối tháng tám là lúc các em học sinh chuẩn bị bắt đầu một năm học mới, cũng là thời điểm các bạn sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Phía trước các bạn sẽ là hành trình dài đi xin việc, chuẩn bị cho tương lai. Sẽ không còn là chuyện học để có điểm số tốt, để vượt qua các kỳ thi, mà giờ đây, các bạn sẽ phải đối mặt với cuộc thi thố với đời.
Năm 2009, tôi chỉ tốt nghiệp hệ Cao đẳng ngành Tài chính – Ngân hàng của một trường Đại học tại TP HCM. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp, như bao bạn bè khác, tôi cũng thử đi xin việc tại một số ngân hàng và công ty. Điều khiến tôi - một cậu sinh viên mang nhiều tâm tư, hoài bão, mơ mộng sau khi rời khỏi ghế nhà trường - cảm thấy hoang mang và hụt hẫng nhất chính là bị nhận những câu hỏi của các nhà tuyển dụng nhân sự như: "Em tốt nghiệp trường nào?", "tốt nghiệp loại gì?", "đã có kinh nghiệm gì chưa?", và "ai là người giới thiệu?"...
Tôi nghĩ rằng, bốn câu hỏi này không chỉ hóc búa cho những sinh viên mới ra trường mà ngay cả những người đã đi làm một thời gian cũng vẫn rơi vào trạng thái hoang mang tương tự. Đối với một sinh viên mới ra trường như tôi thì lấy đâu ra hai chữ "kinh nghiệm" để mà đáp ứng được điều kiện của các nhà tuyển dụng nhân sự?
Tất nhiên, tôi đã không dừng bước ở một nơi, mà đi đến năm, bảy doanh nghiệp khác nhau, nhưng nơi nào cũng khiến tôi hụt hẫng chỉ vì một lý do quá vô lý, mâu thuẫn, bất cập. Tôi đáp ứng đủ các điều kiện khác, chỉ có mỗi kinh nghiệm là thứ duy nhất không có. Nhưng tiếc rằng đây lại là tiêu chí mà các nhà tuyển dụng luôn coi trọng nhất và đặt lên hàng đầu.
>> Đòi hỏi lòng trung thành khi phỏng vấn tuyển dụng
Một ngày khác, tôi quyết tâm đi thêm vài nơi nữa, không phải để xin việc, mà đi tìm câu trả lời thỏa đáng và thuyết phục từ nhà tuyển dụng nhân sự cho câu hỏi cứ mãi luẩn quẩn trong đầu suốt thời gian đó: "Không cho cơ hội để làm việc thì sinh viên ra trường lấy đâu ra kinh nghiệm?". Thế nhưng, khi mang câu hỏi này đến phỏng vấn, cả năm nhà tuyển dụng sau đó đều không ai trả lời được.
Tôi nghiệm ra rằng, nếu như một người không được đi làm thì họ sẽ không có kinh nghiệm. Vậy không lẽ sinh viên sau khi ra trường sẽ không xin được việc ở đâu chăng? Có phải chính điều này gây ra hệ quả là tình trạng cử nhân thất nghiệp liên tục tăng cao, tạo tâm lý bất mãn cho sinh viên khi bỏ bao công sức trong suốt hàng chục năm đi học, rèn luyện khổ cực, mong được làm đúng chuyên ngành mình đã chọn, nhưng cuối cùng lại buộc phải làm trái ngành vì cuộc sống mưu sinh?
Một người em của tôi đang học tập và làm việc ở trời Tây có chia sẻ rằng, các nhà tuyển dụng, chính xác hơn là những người làm công tác tuyển dụng nhân sự ở bên này có quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá nhân sự rất khác so với ở ta. Họ coi trọng kết quả trong công việc, khả năng thích nghi được với môi trường làm việc và quan trọng nhất chính là thái độ với công việc của mỗi ứng viên. Còn chuyện "kinh nghiệm" chỉ là một yếu tố rất nhỏ, có thì tốt, còn không thì cũng chẳng sao cả.
Phải chăng, các nhà tuyển dụng ở Việt Nam cũng nên dần học cách thay đổi tư duy, thái độ của mình, để những mầm non tương lai có được cơ hội thể hiện, khẳng định bản thân, một môi trường thật sự tốt để cống hiến?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.