Tại sao bạn phải xin xỏ để có được một công việc trong khi mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng và người lao động là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Bạn bỏ sức lao động và người thuê bạn phải trả công theo thỏa thuận. Nhiều người cho rằng "Viết 'đơn xin việc' là hạ thấp vị thế người lao động".
Phản biện lại quan điểm trên, độc giả Khánh An chia sẻ: "Mỗi từ ngữ đặt trong mỗi hoàn cảnh và môi trường sẽ có ý nghĩa khác nhau. Đôi khi cùng một từ mà ta phát âm ra cũng có thể mang nghĩa khác nhau. "Xin" có gì không tốt mà nhiều người phải sợ? Dù bạn ở vị trí nào đi nữa, muốn vào hay ra khỏi công ty, việc "xin" đều là thể hiện sự lễ phép.
Xin phép cho tôi vào, xin phép cho tôi đi qua, đơn hàng này xin phép anh cho tôi trả lại, xin lỗi anh tôi xin gửi lại món quà này vì tôi không xứng đáng... Khi chữ "xin" được đặt vào mỗi ngữ cảnh, ý nghĩa của nó sẽ khác nhau rất nhiều. Một công ty luôn cần nhân viên biết khiêm nhường, biết nặng nhẹ, biết chân quý mọi việc dù nhỏ hay lớn, biết hạ mình để được việc, được lòng khách hàng, được sự tin tưởng... chứ cố chấp vào việc gì đó thì có phải soi mói quá nhiều hay không?
Hãy nhìn thành quả, trình độ người đến ứng tuyển. Hầu như ai đến ứng tuyển cũng đều là những người có xuất phát điểm thấp hơn, ai dám khẳng định cái gì mình cũng giỏi và làm được hết? Từ thấp mới có thể từng bước đi lên, thành công, ai mà không bắt đầu từ con số 0? Tự hạ mình để được có cơ hội thăng tiến còn hơn tự ái mà đánh mất cơ hội. Có công ty nào muốn tuyển người coi trọng cái tôi quá không hay họ sẽ coi trọng sự lễ phép, khiêm tốn và khả năng làm việc của người lao động?
Theo tôi, đã viết đơn tức là bạn phải có mong đợi được chấp thuận. "Xin" ở đây có nghĩa là xin phép. Đơn xin việc có nghĩa là xin phép công ty cho tôi ứng tuyển công việc ở vị trí công ty mà cần. Chuyện rất đơn giản như vậy thôi".
Đồng quan điểm, bạn đọc Hong Phuc Trader lấy ví dụ từ chính trường hợp của mình: "Nhiều người cứ bảo nhân sự với chủ doanh nghiệp không quan tâm đến câu chữ, chỉ xét về năng lực, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Tôi được một sếp trong một tập đoàn khá lớn và có tiếng chiêu gọi về làm. HR nằng nặc, thậm chí năn nỉ tôi ký vào tờ "Đơn xin việc" theo mẫu của công ty, mà không phải là "Cover Letter", như tôi ghi song ngữ là "Đơn ứng tuyển" trong hồ sơ. Họ nói đây là quy định và hồ sơ nhân sự mới khi trình Giám đốc HR và Tổng giám đốc ký duyệt đều bắt buộc phải đề "Đơn xin việc". Tôi vì nể người sếp gọi mình về làm mà nhắm mắt ký cho xong. Nhưng nói vậy để thấy, đôi khi các bạn phải chấp nhận hạ bớt cái tôi của mình xuống".
>> Khó xử vì không xin việc được cho con của bạn thân
Trong cương vị là người tuyển dụng lao động, độc giả Tran Tam chia sẻ quan điểm về chuyện xin việc: "Tôi tuyển người chẳng bao giờ quan tâm đến tờ đơn xin việc hay ứng tuyển. Cái tôi quan tâm là người lao động nộp đơn vào công ty mình có lý lịch và trình độ ra sao? Còn nói về chuyện nên viết đơn xin việc hay ứng tuyển, tôi cho rằng bên thuê lao động phải cần người thì mới thông báo tuyển dụng, còn bên cần việc cũng phải muốn có việc làm nên viết 'xin' cũng là lẽ dĩ nhiên của cuộc sống.
Mặc dù sự hợp tác giữa hai bên là sóng phẳng, cùng có lợi, nhưng bạn là người lao động cần việc nên phải "xin". Nếu bạn cảm thấy không muốn "xin" thì bạn có thể viết giấy đề nghị được ứng tuyển vị trí gì đó rồi chờ công ty đến tuyển. Còn khi bạn đã chủ động đến với công ty của họ thì việc "xin" là hợp lẽ thường".
Đó cũng là suy nghĩ của bạn đọc Le Hoang Hieu: "Vấn đề là bạn không xin làm thì sẽ có hàng trăm, hàng nghìn người khác thay bạn. Còn người duyệt đơn cho bạn là lãnh đạo công ty, sau này chưa biết nhưng trước mắt bạn là cấp dưới của họ. Thế nên, việc tỏ ra khiêm nhường cũng là hợp lý, và đó là phong cách của người Á Đông. Ngay cả các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng vậy, đều có văn hóa tôn trọng tiền bối.
Trừ khi bạn tự tin vào năng lực của mình rằng tự các công ty sẽ phải tìm đến để mời bạn về làm việc, thì khi đó bạn dùng từ gì cũng được. Còn đa phần người lao động tìm kiếm việc làm dùng từ "xin" cho thấy họ là người mới, cần được sự chỉ bảo, đào tạo, học việc... nên viết như vậy là chuẩn. Bạn mới vào công ty, còn non nớt, chưa nắm hết công việc, mà cái tôi lại quá cao thì ai dám tuyển? Khiêm nhường là nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ".
Lê Phạm tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.