Thời gian qua, phong trào nhà nhà học IELTS để xét tuyển vào đại học đã lan rộng đến nhiều miền quê nghèo trên khắp cả nước. Sử dụng thành thạo ngoại ngữ, có chứng chỉ tiếng Anh... từ lâu đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực từ đầu vào đại học đến tuyển dụng nhân sự ở các doanh nghiệp Việt. Phải chăng, xã hội đang "thần thánh hóa" tiếng Anh?
Nói về thực trạng này, độc giả Đình nêu quan điểm: "Không chỉ riêng IELTS, mà xã hội bây giờ đang thần thánh hóa bằng cấp nói chung thay vì chú trọng năng lực thực sự của mỗi người.
Tôi nộp đơn tìm việc vào một công ty của Việt Nam, họ yêu cầu phải nghe, nói, viết tiếng Anh thành thạo. Khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng yêu cầu trao đổi bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Thế nhưng, đến khi vào làm, nhân viên ở đây toàn người Việt, nói chuyện với nhau hoàn toàn bằng tiếng Việt. Bao nhiêu năm qua, tôi thậm chí còn không có cơ hội nào để nói tiếng Anh.
Sống ở Việt Nam, học ở Việt Nam và làm việc ở Việt Nam, nhưng tôi không hiểu sao người ta lại đề cao người giỏi tiếng Anh. Tiếng Anh ngày nay phổ biến toàn cầu, giỏi tiếng Anh hay một ngoại ngữ khác là một lợi thế, nhưng không thể ép buộc. Không thể nào quy định sinh viên giỏi tiếng Anh sẽ là người giỏi tất cả các môn học còn lại, hoặc sinh viên nào kém tiếng Anh đương nhiên sẽ không bao giờ là một nhân tài, giỏi một chuyên môn nào đó. Tiếng Anh đáng quyết định công việc khi tìm việc, quyết định sự thăng tiến và quyết định cả cơ hội tốt nghiệp đại học.
Tôi từng làm việc cho một công ty Nhật tại Việt Nam, các kỹ sư Nhật trong công ty tôi đa phần đều không biết tiếng Anh, trao đổi đều qua thông dịch. Nhật Bản là cường quốc công nghiệp top đầu thế giới. Họ đâu giỏi tiếng Anh, nhưng vẫn mạnh, tại sao chúng ta lại phải ép sinh viên của mình phải giỏi tiếng Anh? Cho dù chuyên môn giỏi cỡ nào mà không giỏi tiếng Anh là người vô dụng?".
>> 'Ảo tưởng sức mạnh khi có IELTS'
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Xuân Điệp phản đối quan điểm thần thánh hóa tiếng Anh: "Đó là biểu hiện của căn bệnh chạy theo bằng cấp và điểm số.
Ở Việt Nam, rất nhiều công ty tuyển dụng ghi yêu cầu thành thạo ngoại ngữ, thậm chí yêu cầu chứng chỉ quốc tế. Nhưng bản thân họ chẳng biết vị trí đó có cần sử dụng ngoại ngữ hay không, cứ thấy hồ sơ không có chứng chỉ là loại. Rõ ràng, thời gian trước, để có một chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không hề rẻ so với thu nhập của người Việt khi đó. Bởi vậy, với cách tuyển dụng như vậy, vô tình nhà tuyển dụng có thể đã bỏ lỡ người có chuyên môn tốt, thậm chí họ bỏ lỡ cả người có khả năng ngoại ngữ rất tốt dù họ không có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế".
Nhấn mạnh năng lực chuyên môn quan trọng hơn chứng chỉ ngoại ngữ, độc giả Duc Thang bình luận: "Tiếng anh hiện nay đang là trào lưu của xã hội, đồng thời cũng là trào lưu của ngành giáo dục. Đành rằng nó là thứ quan trọng, nhưng hiện giờ xã hội đang thần thánh hóa nó quá mức. Chẳng lẽ một người chỉ cần giao tiếp, quan hệ được với người phương Tây là đủ, còn lại không cần tính toán, tư duy kinh tế gì hết? Chẳng lẽ một người chỉ cần đọc được các tài liệu về hóa chất, không cần hiểu hết họ nói cái gì, pháo có tự nhiên cháy hay nổ cũng mặc kệ, không sao cả? Chẳng lẽ một người chỉ cần đọc được tài liệu giải phẫu cơ thể người của nước ngoài, còn lại mổ tim có nhầm sang dạ dày cũng không sao?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.