Khó xin việc làm ở tuổi trung niên đang trở thành một thực tế khá phổ biến ở Việt Nam. Chuyện người lao động khi bước qua tuổi 35-40 bị các doanh nghiệp sa thải, khó tìm kiếm một công việc khác thay thế không còn là chuyện hiếm gặp. Phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam luôn muốn tuyển dụng các lao động trẻ để giảm bớt chi phí lại tối ưu được năng suất lao động nhờ sức trẻ mang lại. Vậy tình trạng sử dụng lao động ở các nước phát triển thì sao?
Ở một số nước tôi từng đến, thông tin về tuổi tác, giới tính, chủng tộc... thuộc về thông tin cá nhân và bản thân người lao động có quyền từ chối trả lời nếu nhà tuyển dụng có ý muốn hỏi sâu. Đặc biệt, nhà tuyển dụng (hay bất cứ ai) tuyệt đối không bao giờ được phép hỏi tuổi của ứng viên.
Người duy nhất trong công ty được biết tuổi của người lao động là người phụ trách tính lương, nhưng cũng chỉ biết sau khi đã tuyển xong ứng viên (do người lao động điền thông tin khai thuế). Những người làm công việc này cũng phải đảm bảo (ký cam kết) giữ bí mật thông tin cá nhân (ngày sinh, tháng đẻ) của người lao động như một phần trách nhiệm trong công việc. Việc đào sâu, hay từ chối người lao động chỉ vì lý do tuổi tác sẽ có thể bị xem là phân biệt đối xử.
Thực ra, điều này xuất phát từ thói quen tập quán từ lâu đời của người Việt nói riêng và một số nước châu Á nói chung. Chúng ta hay có thói quen hỏi tuổi, "khoe" tuổi , cứ vô tư tiết lộ, thành thật khai báo ngay cả khi chẳng được hỏi, dù đây vốn là một phần quan trọng thuộc thông tin cá nhân.
>> Xin việc 'trẻ đòi kinh nghiệm, già chê hết thời'
Sẽ là một hệ lụy lớn khi chúng ta số hóa thông tin cá nhân trong công tác quản lý nhưng mọi người vẫn cứ công khai những thông tin cá nhân của mình cho người khác. Nó sẽ ảnh hưởng tới mọi mặt trong đời sống (ngân hàng, bảo hiểm...), khiến cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn. Quay lại vấn đề tuyển dụng lao động, tôi thấy phải có quy định mới có thể ngăn được làn sóng đào thải lao động trung niên một cách vô lý và vô cùng lãng phí như thời gian qua. Điều đó sẽ góp phần tạo sự công bằng và tận dụng hết nguồn lực trong xã hội.
Nói thêm, tôi hiện sống ở Bắc Mỹ, toàn bộ bằng cấp của tôi đều được cấp từ Việt Nam. Nếu xét về tuổi tác, nếu xin việc trong nước từ vài năm trước, có lẽ tôi sẽ bị loại "từ vòng gửi xe". Thế nhưng, tôi vẫn hoàn toàn xin được việc làm và được tuyển dụng cho vị trí công việc tốt ở đất nước mà tôi đang sinh sống (với công việc chuyên môn đúng với ngành học của mình ở Việt nam), dù khó khăn hơn một chút khi phải cố vượt qua rào cản văn hóa, ngôn ngữ. Bởi đơn giản, ở đây, chẳng ai được phép hỏi tuổi của tôi để ra quyết định tuyển dụng do sợ vi phạm Luật Lao động
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.