Tôi từng chứng kiến Trưởng phòng, Giám đốc của một bộ phận, thậm chí là Tổng Giám đốc của một công ty nói thẳng với nhân viên thử việc của mình rằng: "Cứ nộp đơn kiện lên phòng Lao động hay Liên đoàn Lao động đi, đây theo hầu". Đáng buồn, tình trạng "quỵt" lương nhân viên thử việc lại xảy ra rất phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh và suy thoái kinh tế.
Không ít doanh nghiệp bị thua lỗ và từ đó công ty phải lựa chọn giữa đạo đức và tài chính. Nghĩa là, công ty không đủ ngân sách để trả cho các nhân viên nghỉ trong và khi hết thời gian nghỉ việc. Đương nhiên, việc này chỉ thường xuyên xảy ra ở các cấp quản lý thiếu chuyên nghiệp và tự quyết định việc trả lương cho ai chứ không xuất phát từ tổng giám đốc – người đại diện pháp lý của công ty.
Tôi tư vấn miễn phí cho các bạn sinh viên mới ra trường bị công ty "quỵt" lương trong quá trình thử việc. Đặc điểm chung của những công ty này là họ thường cố gắng không ký hợp đồng với ứng viên thử việc, chỉ thỏa thuận miệng và thậm chí không trao đổi nội dung hợp đồng, chế độ lương thưởng qua email hoặc điện thoại. Rõ ràng, việc họ cố tình không ký hợp đồng bằng văn bản là có mục đích riêng và sẽ để lộ ra khi cảm thấy không vừa lòng với cách làm việc, đề nghị của ứng viên trong quá trình thử việc.
Một số doanh nghiệp lợi dụng sự khan hiếm việc làm trong thời điểm này để thỏa thuận với các lao động mà không có hợp đồng. Thậm chí, một số công việc chỉ cần trình độ phổ thông nhưng lại bắt thử việc tới hai tháng vì biết ứng viên có bằng Đại học. Khi thử việc, quản lý sẽ vắt kiệt sức lao động, đặt ra KPI thiếu hợp lý, đến khi ứng viên làm gần hết thời gian thử việc, quản lý tiếp tục đưa ra các yêu sách khó hiểu để khiến ứng viên nghỉ ngang dù đã đủ doanh số, hoặc yêu cầu nghỉ việc. Những người quản lý sẽ cố tình vặn vẹo ứng viên rằng họ thiếu chuyên nghiệp, rồi kết luận không thanh toán lương vì nghỉ việc khi chưa hết thời gian thử việc.
Nguyên nhân chính để xảy ra vấn đề ứng viên không được trả lương nằm phần lớn ở việc họ không nắm rõ các quy định về Luật Lao động, các quyền của người lao động trong quá trình thử việc. Và yếu tố không thể tránh khỏi là tâm lý yếu đuối của ứng viên lao động mới ra trường, bỏ qua cho công ty để đi kiếm việc khác làm cho đỡ nhức đầu. Những người quản lý thường chọn các ứng viên hướng nội, không thích tranh cãi để gian lận không chi trả lương.
>> Bảy sai lầm của bạn trẻ khi phỏng vấn xin việc
Có thể sẽ có nhiều người ở đây là quản lý, chủ doanh nghiệp sẽ phản biện rằng "chẳng phải tự nhiên mà công ty không trả lương, chính nhân viên thử việc cũng có vấn đề nên mới thế". Đúng là trong quá trình tư vấn, tôi thấy cũng có không ít nhân viên với cá tính kỳ quặc, rất khó để làm việc. Nhưng nhìn xa hơn, họ là người lao động, khi doanh nghiệp phỏng vấn và chấp nhận họ vào thử việc là để tìm kiếm các ứng viên phù hợp với doanh nghiệp, gắn bó với công ty. Việc ứng viên không phù hợp với kỳ vọng của quản lý là chuyện vô cùng bình thường, đó là kinh nghiệm để người người tuyển dụng tìm kiếm và lọc ra các ứng viên sau cùng.
Và quy định của Luật Lao động cũng bảo vệ người lao động thử việc có quyền nghỉ mà không cần báo trước và có quyền được yêu cầu công ty thanh toán toàn bộ lương những ngày đi làm. Doanh nghiệp không thực hiện yêu cầu, không tôn trọng quyền của người lao động, có khác gì không thượng tôn pháp luật?
Trong quá trình tư vấn giúp người lao động đòi lại lương, tôi luôn hướng dẫn họ thực hiện quy trình theo đúng hướng dẫn của pháp luật. Từ việc gửi thông báo cho công ty, đợi đến thời gian có hiệu lực hay quá trình làm đơn khiếu nại và gửi cho hai cơ quan là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như Liên Đoàn Lao động các cấp quận, huyện. Tuy nhiên, không có nhiều trường hợp công ty đồng ý trả lương do có sự tác động của hai cơ quan này.
Các trường hợp mà chúng tôi giúp người lao động đòi được lương với tỷ lệ cao nhất thường là những doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp có tiếng trong nước, và các doanh nghiệp có khách hàng là các công ty nổi tiếng. Những quản lý của các công ty kiểu này nắm rất rõ về luật hơn nhiều các lao động mới vào nghề, và họ chẳng hề sợ việc cãi nhau hay kiện cáo với các nhân viên cấp dưới. Cái họ sợ thật ra là uy tín của khách hàng chứ không phải uy tín của công ty và tuyệt đối không được đăng "bóc phốt" công ty trên mạng xã hội.
Sau tất cả, bản thân người lao động sẽ trưởng thành hơn, hiểu luật hơn, hiểu cuộc chơi hơn và các công ty sẽ không còn có thể bắt nạt được bạn nữa. Nếu tất cả người lao động đều ý thức được về quyền lợi chính đáng của mình, các doanh nghiệp sẽ học được cách tôn trọng người lao động trong mọi hoàn cảnh.
Người lao động Việt cần phải chấp nhận một thực tế rằng vẫn luôn tồn tại các doanh nghiệp, công ty và quản lý theo kiểu lợi dụng nhân viên thử việc. Từ đó, mỗi người trong số chúng ta cần tự chuẩn bị những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ chính mình trong cuộc chơi này.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.