Bài viết "Quỵt lương nhân viên thử việc" của tác giả Hoàng Anh Huy khiến tôi nhớ lại thời kỳ sinh viên của mình. Khi đó, tôi cũng đi làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống. Tôi làm đã đời nhưng đến cuối cùng, người ta vẫn tìm đủ mọi cách để không trả đủ tiền lương cho tôi, nào là đi muộn (dù chỉ một, hai phút), nào là để khách chửi (cho dù vô lý)... Tất cả những điều đó cho tôi bài học đầu đời, đó là phải luôn rõ ràng lương, thưởng với người thuê mình trước đã rồi hãy nghĩ tới chuyện làm việc, cống hiến.
Tốt nghiệp ra trường, tôi cũng có trong tay hơn một năm kinh nghiệm (do tôi đi làm cộng tác từ năm thứ tư đại học) nên khá tự tin khi ứng tuyển tìm việc làm. Sau đó, một công ty tuyển dụng gửi lời nghị cho tôi với yêu cầu "năm tháng thử việc trước khi ký hợp đồng chính thức". Đương nhiên, tôi từ chối thẳng.
Tôi trả lời rõ ràng với nhà tuyển dụng: "Tôi chỉ thử việc đúng một tháng, lương thử việc phải đảm bảo 60% lương chính thức, sau một tháng đó, nếu công ty thấy tốt thì ký hợp đồng chính thức. Còn nếu đánh giá em không đạt yêu cầu, không ký hợp đồng chính thức thì công ty cũng phải thông báo cho em trước ba ngày''.
Ban đầu, đại diện công ty khá bất ngờ với thái độ thẳng thắn của tôi, nhưng sau đó họ vẫn quyết định nhân tôi vào thử việc. Sau một tháng, công ty nói rằng sẽ ký hợp đồng chính thức với tôi như thỏa thuận ban đầu. Tuy nhiên, họ lại tìm cách lươn lẹo bằng việc thông báo sẽ chuyển tôi xuống học việc (hỗ trợ) cho các công nhân dưới xưởng, và mức lương tôi nhận được cũng sẽ ngang bằng các công nhân ấy (tương tương lương thử việc), thời gian trong vòng sáu tháng, rồi mới đưa tôi lên lại phòng Thiết kế.
>> 'Đòi hỏi kinh nghiệm vô lý khi xin việc'
Cầm bản hợp đồng được soạn sẵn trên tay, tôi chẳng nói lời nào, đi thẳng lên phòng Giám đốc công ty. Tôi nói với người đứng đầu tổ chức: ''Tôi rất cảm ơn vì công ty đã tạo điều kiện để tôi có thể tiếp tục làm việc lâu dài tại đây sau thời gian thử việc. Nhưng có lẽ tôi không phù hợp với công ty. Vì mai là ngày cuối tôi thử việc ở đây, nên hôm nay tôi xin phép được về sớm. Tôi cũng xin trả lại công ty bản hợp đồng này, mong anh sẽ tìm được người phù hợp hơn''. Sau đó, tôi xuống phòng Nhân sự xin giấy phép về sớm.
Đến nay, tôi cũng đã ra trường được khoảng bảy năm, công việc hiện nay của tôi cũng tương đối ổn định. Trước dịch Covid-19, thu nhập mỗi năm của tôi vào khoảng 550 triệu đồng một năm (mức khá với vị trí Kỹ sư cơ khí). Đến giờ, sau dịch, công ty của tôi gặp khá nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nên tôi cũng chấp nhận giảm 40% lương để đồng hành cùng tổ chức.
Chia sẻ một chút như vậy về bản thân như vậy để các bạn hiểu rằng, nếu trước đây tôi chấp nhận bị công ty cũ chèn ép, quỵt lương, thì có lẽ đã không kiếm được một công việc tốt như bây giờ. Tôi cũng khuyên các bạn trẻ mới ra trường, trong quá trình tìm việc, cũng nên giữ thái độ bình tĩnh và dám đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của bản thân mình.
Cái gì bạn có thể nhún nhường, chứ riêng tiền lương và chế độ, phúc lợi, bạn phải luôn rõ ràng với doanh nghiệp ngay từ đầu. Đặc biệt, nếu gặp các công ty có dấu hiệu mập mờ với người lao động, hãy mạnh dạn chia tay ngay. Bởi ở những môi trường như thế, trước sau gì, bạn cũng sẽ là người chịu thiệt. Hơn nữa, bản thân những công ty như thế chắc chắn sẽ không thể tồn tại được lâu.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.