Trẻ dậy thì khi não bắt đầu thực hiện quá trình sản xuất hormone giải phóng gonadotropin (GnRH). Hormone này đi đến tuyến yên và kích thích quá trình sản xuất hormone estrogen - liên quan đến tăng trưởng, sinh sản ở nữ giới và testosterone - phát triển đặc tính sinh dục ở nam giới.
Phân loại
Có hai loại dậy thì sớm:
- Dậy thì sớm trung ương: Do sự bất thường trong não, có khối u trong não gây kích thích tuyến sinh dục.
- Dậy thì sớm ngoại biên: Có bất thường buồng trứng, u nang buồng trứng, bệnh lý di truyền gây tiết hormone sinh dục.
Triệu chứng
Trẻ gái:
- Ngực bắt đầu phát triển (thường là dấu hiệu đầu tiên).
- Thời điểm xuất hiện kinh nguyệt lần đầu tiên.
- Phát triển chiều cao, cân nặng, hông rộng hơn.
- Nổi mụn.
- Mọc lông vùng kín, lông nách.
Bé trai:
- Chiều cao tăng nhanh trong thời gian ngắn.
- Lông nách, lông vùng kín mọc nhiều.
- Tăng kích thước tinh hoàn và dương vật.
- Mọc ria mép.
- Xuất hiện nhiều mụn trứng cá.
- Cơ thể bắt đầu có mùi.
Yếu tố gây dậy thì sớm
Giới tính: Bé gái có nguy cơ dậy thì sớm nhiều hơn so với bé trai.
Di truyền học: Dậy thì sớm có thể được kích hoạt bởi các đột biến gene kích hoạt giải phóng hormone giới tính. Hầu hết những trẻ này thường có cha mẹ hoặc anh chị em có bất thường di truyền tương tự.
Béo phì: Trẻ béo phì có tỷ lệ dậy thì sớm cao hơn nhóm cân nặng bình thường.
Chẩn đoán
- Siêu âm bụng.
- Siêu âm tử cung.
- Siêu âm buồng trứng.
- Xét nghiệm máu về nội tiết.
- Xét nghiệm tuyến giáp.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI).
- Chụp X-quang tuổi xương bàn tay.
Biến chứng
Hạn chế chiều cao: Xương của trẻ trưởng thành sớm hơn có thể rút ngắn thời gian sinh trưởng.
Thay đổi tâm lý: Tâm lý của trẻ trong giai đoạn dậy thì rất dễ bị tác động hay bị căng thẳng, tự ti trước bạn bè cùng trang lứa vì nhận thấy cơ thể mình khác biệt.
Kết quả học tập kém: Dậy thì sớm có thể ảnh hưởng đến việc học, làm giảm kết quả học tập.
Dễ lạm dụng chất kích thích: Thay đổi về thể chất dễ khiến trẻ hiểu lầm rằng mình đã trưởng thành. Trẻ có thể tiếp cận sớm với chất kích thích như thuốc lá, rượu bia...
Điều trị
Tùy thuộc vào nguyên nhân và từng trường hợp cụ thể, bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho từng trẻ. Hiện, trẻ gặp tình trạng này thường được điều trị bằng cách:
- Tìm kiếm và điều trị nguyên nhân cơ bản hoặc bệnh lý gây dậy thì sớm.
- Cân chỉnh nồng độ hormone giới tính bằng thuốc để ngăn chặn sự phát triển cơ thể do dậy thì sớm.
Cách phòng ngừa
- Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, đủ các nhóm chất, tránh để trẻ thừa cân béo phì, nhất là ở các bé gái.
- Khám sức khỏe định kỳ.
- Không cho trẻ sử dụng mỹ phẩm làm đẹp sớm hoặc dùng các loại thuốc ảnh hưởng đến nội tiết tố sinh dục của trẻ.
Lê Nguyễn (Theo WebMD)