Cách đây 4 năm, tôi chơi bóng đá và bị giãn dây chằng khớp háng bên trái. Hiện, tôi vẫn đi lại bình thường nhưng cảm nhận phần khe háng bên trái hơi đau khi vận động mạnh, lực của chân bên trái yếu hẳn so với trước kia. Nhờ bác sĩ tư vấn. (Đinh Gia Cảnh, 43 tuổi)
Trả lời:
Cấu trúc của khớp háng khác với khớp gối và khớp cổ chân. Sự vững của khớp gối dựa hoàn toàn vào các dây chằng; tương tự, đối với cổ chân, phần lớn gọng chày mác ôm lấy khớp cổ chân nhưng dựa trên sự vững của các dây chằng. Trong khi đó, cấu trúc khớp háng ổ cối xương chậu lõm hình chén, một chỏm xương đùi nằm ở bên trong khớp này và một sợi dây chằng giữ trọn xương đùi. Bao khớp xung quanh rất dày, do đó, rách một dây chằng khớp háng thường ít để lại di chứng.
Nhưng nếu bạn bị đau khe khớp háng khi di chuyển khả năng có hai hiện tượng thường gặp. Một là thoái hóa vùng khớp háng hay hiện tượng cấn khớp háng vào trong sụn viền; nếu đi hoặc làm động tác giả lập sẽ làm cho sụn viền bị mất vững, lung lay và bị đau. Hai là ở Việt Nam, tỷ lệ khớp háng thoái hóa không nhiều nhưng tình trạng hoại tử chỏm xương đùi rất cao, đặc biệt là ở nam giới. Có lẽ một phần do ăn nhậu nhiều, một phần chưa rõ nguyên nhân.
Nếu khớp háng bị đau, bệnh nhân cần chụp X-quang, MRI có độ phân giải cao để kiểm tra khớp háng có bị hoại tử chỏm không, sụn viền có bị bong ra không và có hiện tượng cấn khớp háng không. Như vậy, việc tái tạo một dây chằng khớp háng gần như không có vì tổn thương của dây chằng khớp háng sẽ tự lành lại được. Tuy nhiên, tổn thương vùng xương và các sụn viền là tổn thương chiếm phần lớn ở khớp háng. Bác sĩ sẽ xử lý phần sụn viền hoặc xương của khớp háng hơn là dây chằng. Người bệnh cần thăm khám bác sĩ để kiểm tra vùng bị tổn thương và quyết định nên xử lý như thế nào.
TS.BS Tăng Hà Nam Anh
Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM