Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hồng Thắm, khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết thông thường đau nhức răng là dấu hiệu cho thấy răng hoặc lợi gặp vấn đề, không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng một số trường hợp đau răng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý hô hấp nghiêm trọng, cần điều trị sớm.
Trường hợp đầu tiên là viêm xoang. Vị trí nhiễm trùng xoang phổ biến nhất gây đau răng là xoang hàm trên. Các xoang, răng và nướu đều có chung các dây thần kinh có thể truyền tín hiệu đau. Theo Medical News Today, có tới 40% trường hợp viêm xoang mạn tính là do nhiễm trùng răng miệng.
Bác sĩ Hồng Thắm cho biết thêm, các dấu hiệu cảnh báo viêm xoang liên quan tới vấn đề răng miệng gồm đau răng khi nhiệt độ thay đổi (ăn hoặc uống đồ nóng, lạnh), sưng mặt, sưng nướu gần răng...
Mặt khác, đau răng cũng có thể là biểu hiện của viêm phổi hoặc ung thư phổi. Trong cơ thể có dây thần kinh phế vị trái đi từ đầu, cổ vào ngực và đi xuống cung động mạch chủ. Do đó cơn đau từ phổi có thể lan đến vùng quai hàm, biểu hiệu như đau răng.
Theo bác sĩ Hồng Thắm, đau răng và các bệnh hô hấp có mối liên hệ với nhau do một số yếu tố:
Sự lây lan của vi khuẩn: Loại vi khuẩn gây ra đau răng có thể dễ dàng xâm nhập vào đường hô hấp dưới. Khi vi khuẩn cư trú trong phổi nó có thể gây viêm phổi, làm trầm trọng thêm các tình trạng nghiêm trọng như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Khả năng miễn dịch thấp: Những người gặp các vấn đề về hô hấp mạn tính hoặc dai dẳng thường có khả năng miễn dịch thấp, dẫn đến vi khuẩn miệng dễ dàng xâm nhập vào bên trên và dưới đường viền nướu. Điều này đẩy nhanh sự phát triển của bệnh nha chu, khiến người bệnh có nguy cơ mắc bệnh khí phế thũng, viêm phổi, COPD.
Viêm: Đau răng gây viêm và kích ứng mô miệng. Vi khuẩn miệng gây kích ứng này có thể góp phần gây viêm niêm mạc phổi, do đó hạn chế lượng không khí có thể tự do đi vào và ra khỏi phổi.
Hút thuốc lá: Hút thuốc được cho là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh hô hấp mạn tính. Sử dụng thuốc lá cũng làm tổn thương nướu, ảnh hưởng tới sức khỏe của khoang miệng gây đau răng. Ngoài ra, thuốc lá cũng làm chậm quá trình chữa lành vết thương. Bác sĩ Hồng Thắm cho biết, hút thuốc không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra đau răng và bệnh nha chu, nhưng chắc chắn là một trong những yếu tố cần tránh.
Mai Linh