Đau lưng khi nằm là tình trạng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, xảy ra ở cả những người trẻ tuổi. Cảm giác đau có thể không thuyên giảm ngay cả khi người bệnh đã thay đổi tư thế nằm. Các cơn đau xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, kéo dài dai dẳng hoặc chỉ thoáng qua. Một số trường hợp có thể bị cứng cơ, ảnh hưởng lớn đến tầm vận động.
ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú, khoa Cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, đau lưng khi nằm thường là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý như:
Căng cơ: Đây là hậu quả của việc hoạt động thể chất quá mức hoặc chấn thương. Dù không quá nguy hiểm nhưng tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày trong thời gian ngắn như gây đau nhức ở lưng, bầm tím, chuột rút, gặp nhiều khó khăn khi đi lại...
Viêm cột sống dính khớp thường có một số triệu chứng như đau lưng khi nằm, cứng khớp vào buổi sáng, mệt mỏi, sốt nhẹ, sút cân... Cơn đau trở nên dữ dội hơn về đêm, ảnh hưởng lớn tới chất lượng giấc ngủ, về lâu dài có thể gây suy nhược cơ thể. Nếu trì hoãn điều trị, người bệnh có nguy cơ tàn tật cao.
Khối u cột sống cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến đau lưng khi nằm. Khi nằm, áp lực có thể tác động đến khối u, làm cho cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Có 2 dạng khối u là khối u nguyên phát và khối u thứ phát. Khối u nguyên phát hình thành từ cột sống như u xương, đa u tủy... Khối u thứ phát là tình trạng khối u từ các cơ quan khác di căn tới cột sống như ung thư vú, phổi, tuyến tiền liệt...
Hẹp ống sống là tình trạng ống sống bị thu hẹp, chèn ép lên tủy sống và/hoặc các rễ thần kinh. Tùy thuộc vào vị trí đoạn ống sống bị hẹp và mức độ hẹp mà có những triệu chứng khác nhau như đau lưng, tê vai, mỏi cổ, đau dây thần kinh hông to...
Đau thần kinh tọa: Dây thần kinh tọa kéo dài từ vùng dưới thắt lưng đến tận ngón chân. Các cơn đau thần kinh tọa thường khởi phát do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Lúc này, người bệnh phải đối mặt với tình trạng đau nhói tại hông và chi dưới; tê bì và ngứa râm ran chạy dọc theo dây thần kinh, yếu cơ... Chức năng tiếp nhận và dẫn truyền thông tin của dây thần kinh tọa đã bị ảnh hưởng đáng kể.
Thoái hóa đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm cột sống bị thoái hóa, chức năng dần suy giảm. Bệnh có thể xảy ở một hoặc nhiều đĩa đệm cùng lúc. Thoái hóa đĩa đệm làm cho những đốt sống dễ ma sát với nhau khi vận động, gây đau nhức khó chịu. Cơn đau thường khởi phát từ vùng lưng dưới rồi lan tới mông và chân, có xu hướng nặng hơn khi người bệnh vận động, nằm hoặc uốn cong cơ thể.
Thoái hóa cột sống làm suy giảm khả năng hấp thụ lực giữa những đốt sống. Bệnh khởi phát sau khi đĩa đệm giữa những đốt sống bị thoái hóa, gây ra các triệu chứng như đau lưng ngay cả khi nằm và nghỉ ngơi, cột sống bị cứng và giảm độ linh hoạt.
Tùy theo nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của cơn đau mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị đau lưng khi nằm khác nhau. Với những cơn đau nhẹ, người bệnh có thể thay đổi tư thế nằm để tránh gây áp lực lên cột sống, cải thiện chất lượng giấc ngủ... Nếu cần thiết, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Phẫu thuật là phương án cuối cùng trong điều trị đau lưng khi nằm. Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp thoái hóa đĩa đệm, đau thần kinh tọa và viêm khớp cột sống.
Theo bác sĩ Thanh Tú, đa số các trường hợp đau lưng khi nằm ngửa thường không nghiêm trọng tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý, cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc kéo dài dù đã áp dụng đúng các biện pháp chăm sóc tại nhà, người bệnh nên đi thăm khám càng sớm càng tốt, để tránh bệnh tiến triển nặng.
Phi Hồng