Viêm dạ dày ruột là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây nên. Nguyên nhân do tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, ăn uống thực phẩm và đồ uống chứa mầm bệnh.
ThS.BS Hà Thị Loan, Khoa Nội tổng hợp, Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, triệu chứng có thể khác nhau và xuất hiện trong vòng 1-3 ngày, kể từ khi tiếp xúc với mầm bệnh, diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Các trường hợp nghiêm trọng có thể kéo dài đến 14 ngày.
Với viêm dạ dày ruột do nhiễm virus, tiêu chảy là triệu chứng điển hình nhất, phân hiếm khi có lẫn máu hoặc chất nhầy. Triệu chứng có thể kéo dài 1-2 tuần. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể bị nôn nhẹ, xảy ra sau 1-2 ngày tiêu chảy liên tiếp. Người bệnh suy giảm miễn dịch nếu bị viêm dạ dày ruột do virus cytomegalo dễ tiêu chảy ra máu.
Đối với viêm dạ dày ruột do vi khuẩn như shigella, salmonella, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, tiêu chảy ra máu kèm sốt. Viêm dạ dày ruột do nhiễm ký sinh trùng thường gây tiêu chảy bán cấp hoặc mạn tính nhưng không kèm máu, mệt mỏi, thiếu máu, sụt cân bất thường.
Một số triệu chứng khác của bệnh như buồn nôn, nôn mửa, đau cơ, đau bụng, nhức đầu, sốt nhẹ.
Với người khỏe mạnh, bệnh có thể tự khỏi trong vòng khoảng một tuần và không để lại di chứng. Bác sĩ Loan lưu ý người có hệ thống miễn dịch suy yếu như trẻ sơ sinh, người già, viêm dạ dày ruột có thể tử vong.
Biến chứng thường gặp nhất của bệnh này là mất nước và các khoáng chất thiết yếu do tiêu chảy, nôn mửa. Ngoài ra, người bệnh có nguy cơ đối mặt với nhiều tình trạng nguy hiểm khác như nhiễm toan chuyển hóa, rối loạn điện giải (tăng natri máu, hạ natri máu, hạ kali máu), nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, hoại tử, thủng đại tràng, không dung nạp carbohydrate (lactose, glucose), tái nhiễm về sau, không dung nạp thực phẩm, hội chứng tan máu, tăng urê máu.
Để kiểm soát triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc như thuốc trị buồn nôn, tiêu chảy cho người lớn (không dùng cho trẻ em), thuốc kháng sinh...
Người bệnh cần nghỉ ngơi, uống đủ nước hoặc sử dụng thêm dung dịch bù nước để đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Ngay cả khi buồn nôn, người bệnh cũng nên cố gắng ăn theo từng khẩu phần nhỏ, với những món dễ tiêu hóa như cháo lỏng, chuối. Không uống sữa, các sản phẩm từ sữa, nước ngọt, nước ép trái cây, đồ uống thể thao để tránh tiêu chảy nặng hơn.
Trường hợp xuất hiện dấu hiệu viêm diễn tiến nghiêm trọng, mất nhiều nước, người bệnh cần được truyền dịch, theo dõi sức khỏe tại bệnh viện để tránh biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Loan khuyến cáo người bệnh nên đi khám sớm nếu xuất hiện các triệu chứng đáng lo ngại như đau bụng dai dẳng, sốt kéo dài hơn 48 giờ, phát ban, nôn mửa liên tục 4-6 giờ, tiêu chảy kéo dài hơn 7 ngày, có dấu hiệu rối loạn tâm thần, chóng mặt, đau đầu, phân đen, chất nôn màu xanh... Đây là những dấu hiệu rất nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em dưới hai tuổi, người đang mắc bệnh mạn tính hoặc có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Mỗi người nên chủ động phòng bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh tiếp xúc với người và vật mang mầm bệnh, tiêm vaccine ngừa viêm dạ dày ruột do virus rota từ sớm.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |