Tình trạng thiếu vitamin D có thể được chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu. Theo ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cũng giống như người lớn, trẻ em thiếu vitamin D khi liều lượng giảm xuống dưới 20 ng/mL (50 nmol/L). Ngưỡng 20-30 ng/mL (50-75 nmol/L) là chưa đủ, trên 30 ng/mL (75 nmol/L) có thể coi là đủ vitamin D.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có tốc độ phát triển thể chất rất nhanh nên dễ thiếu vitamin D nếu ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc hấp thụ không đủ qua chế độ dinh dưỡng. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo trẻ bú mẹ hoàn toàn cần bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày, bắt đầu trong vài ngày đầu đời.
Dưới đây là dấu hiệu trẻ thiếu hụt vitamin này.
Đổ mồ hôi
Thiếu vitamin D dẫn đến giảm hàm lượng serotonin, chất dẫn truyền thần kinh hỗ trợ nhiều chức năng của cơ thể như giấc ngủ, tâm trạng, bàng quang và ruột... Lúc này, cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi hơn, nhất là ở vùng da đầu. Mồ hôi thường có xu hướng chảy ra nhiều hơn vào ban đêm khi ngủ.
Ảnh hưởng đến răng miệng
Khi cơ thể không nhận đủ lượng vitamin D cần thiết, răng mọc chậm, không đều, khiến trẻ nhai và tiêu hóa thức ăn khó khăn.
Suy nhược, mệt mỏi
Thiếu vitamin D dẫn đến triệu chứng mệt mỏi, trầm cảm và mất ngủ ở người lớn, trẻ em. Tuy nhiên, các triệu chứng này nhanh chóng biến mất nếu cơ thể được bổ sung đầy đủ vitamin này trong 24 giờ.
Tinh thần hay lo âu
Rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm lý, suy giảm nhận thức có thể xảy ra nếu thiếu vitamin D. Trẻ thường chán nản, mệt mỏi, căng thẳng, lo âu không rõ nguyên nhân. Tăng cường bổ sung vitamin D cải thiện rõ rệt triệu chứng lo âu vô cớ và giải tỏa cảm xúc tốt hơn.
Thường xuyên ốm
Vitamin D có vai trò tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại virus, vi khuẩn gây bệnh, phòng ngừa nhiễm bệnh. Thiếu vitamin D khiến trẻ dễ nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi.
Vết thương chậm lành
Vitamin D giúp tăng cường sản xuất collagen và hình thành lớp da mới, từ đó, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, hồi phục của cơ thể. Vitamin này còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng viêm nhiễm và các bệnh nhiễm trùng. Trẻ thiếu hụt nghiêm trọng có khả năng viêm cao hơn so với người bình thường.
Thiếu vitamin D nặng có thể dẫn đến hậu quả nếu không được điều trị. Trẻ lớn và thanh thiếu niên có nguy cơ bị khử khoáng xương, gãy xương, co giật và tổn thương tim. Trẻ nhũ nhi dễ còi xương, xương phát triển bất thường, biến dạng khớp. Bệnh còi xương tăng cao ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ 6-23 tháng tuổi, thanh thiếu niên 12-15 tuổi.
Theo bác sĩ Duy Tùng, để trẻ phòng tránh tình trạng này, phụ huynh có thể áp dụng các biện pháp sau:
Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin D: Cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá thu...), các loại nấm, gan bò, phô mai, lòng đỏ trứng, sữa, phô mai, nước cam, ngũ cốc, ức gà, thịt đỏ.
Bổ sung sản phẩm hỗ trợ: Ngoài thực phẩm, các chế phẩm vitamin D có nhiều dạng như viên nén, viên nang hoặc viên dầu cá nhưng cần dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Tăng cường tắm nắng khoảng 15 phút mỗi ngày trong khoảng thời gian 9-10h và 15-16h. Người lớn tuổi, da sẫm màu có thể cần tắm nắng trong khoảng thời gian lâu hơn.
Bác sĩ Tùng lưu ý tiếp xúc quá nhiều ánh nắng mặt trời tăng nguy cơ ung thư da nếu không được bảo vệ, che chắn. Ăn quá nhiều thực phẩm vitamin D có thể khiến hệ tiêu hóa quá tải. Do đó, phụ huynh có thể bổ sung vitamin này cho trẻ thông qua sản phẩm hỗ trợ giúp phòng ngừa và điều trị tốt hơn.
Bảo Bảo
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |