Tuyến yên là tuyến nội tiết nhỏ, có kích thước bằng hạt đậu nằm tại đáy não, vùng tuyến yên, phía sau sống mũi. Hormone tăng trưởng được tiết ra chủ yếu ở phần thùy trước của tuyến yên.
Thiếu hormone tăng trưởng (Growth hormone deficiency - GHD) là tình trạng tuyến yên không tiết đủ hormone tăng trưởng. BS.CKI Đoàn Minh Yên Hà, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thiếu hormone ít phổ biến, có thể ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn.
Hormone tăng trưởng tác động lên nhiều bộ phận của cơ thể để trẻ phát triển bình thường, tăng sức mạnh của cơ, xương và phân bố mỡ trong cơ thể. Khi các đĩa tăng trưởng trong xương (epiphysis) đã hợp nhất, hormone tăng trưởng không còn đảm nhận vai trò tăng chiều cao, thay vào đó góp phần duy trì cấu trúc cơ thể và quá trình trao đổi chất bình thường.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ không đủ hormone khiến chiều cao tăng chậm, thấp hơn bạn bè, khuôn mặt nhìn trẻ hơn so với độ tuổi thật. Tóc và móng chậm phát triển, dương vật của trẻ sơ sinh rất nhỏ. Trẻ còn chậm phát triển răng, dậy thì muộn. Lượng đường trong máu thấp ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi cũng là dấu hiệu nhận biết tình trạng này. Trẻ thiếu hormone tăng trưởng thường được phát hiện ở tuổi đi học mẫu giáo do phụ huynh nhận thấy con khác biệt nhiều so với bạn bè. Trẻ ở tuổi dậy thì có ít hoặc không có các dấu hiệu dậy thì.
Bác sĩ Hà cho biết thiếu hụt hormone tăng trưởng có thể do tổn thương tuyến yên, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và giải phóng hormone tăng trưởng. Tổn thương tuyến yên có thể do u tuyến yên, xạ trị tuyến yên hoặc xạ trị gần tuyến yên, chấn thương đầu nghiêm trọng, thiếu máu lưu thông đến tuyến yên, phẫu thuật não cắt bỏ tuyến này. Nhiễm trùng hệ thần kinh, các bệnh xâm lấn như bệnh mô bào langerhans, bệnh sarcoidosis, bệnh lao... cũng dẫn đến tình trạng này.
Để chẩn đoán trẻ thiếu hụt hormone này, bác sĩ chỉ định đo chiều cao, cân nặng, so sánh với biểu đồ tăng trưởng theo độ tuổi để xác định có chậm phát triển hay không. Bác sĩ cũng có thể chụp X-quang xương ở bàn tay (xác định tuổi xương), xét nghiệm kích thích hormone tăng trưởng để chẩn đoán.
Khi trẻ có dấu hiệu cảnh báo trên, phụ huynh cần đưa con đi khám để được điều trị sớm. Phương pháp điều trị có thể là tiêm hormone tăng trưởng tổng hợp hàng ngày. Thiếu hormone tăng trưởng cần điều trị lâu dài, thường kéo dài trong nhiều năm. Người bệnh nên tái khám để bác sĩ theo dõi và điều chỉnh lượng thuốc phù hợp.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |