Sụn khớp là mô đệm tự nhiên nằm giữa các đầu xương, có tác dụng giảm ma sát giữa các xương, giúp khớp chuyển động mượt mà hơn. Mô sụn có tính liên kết chặt chẽ, che phủ đầu xương, bảo vệ khớp và xương. Thoái hóa khớp gối là quá trình tổn thương sụn khớp tiến triển từ từ theo thời gian, càng lớn tuổi mức độ thoái hóa càng tăng.
ThS.BS Phạm Thị Xuân Thư, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thoái hóa khớp gối được đặc trưng bởi tình trạng viêm gây tổn thương toàn bộ khớp. Từ thoái hóa sụn là tổn thương trung tâm phát triển thành viêm màng hoạt dịch, xơ xương dưới sụn, hình thành gai xương, tổn thương dây chằng gân cơ dẫn tới hẹp khe khớp, làm cho các đầu xương cọ xát vào nhau khi người bệnh chuyển động. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra các biến chứng như sưng viêm khớp gối, tràn dịch khớp gối, lệch trục, biến dạng khớp gối, teo cơ đùi, suy giảm khả năng vận động, tàn phế.
Thoái hóa khớp gối tiến triển qua 4 giai đoạn được xác định theo sự tổn thương của khớp trên hình ảnh X-quang, với các dấu hiệu đặc trưng.
Thoái hóa khớp gối độ một
Hình ảnh chụp X-Quang cho thấy khe khớp gần như bình thường, có thể có gai xương nhỏ. Giai đoạn này, người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng vì sụn khớp tổn thương nhẹ. Người bệnh đi lại vận động bình thường, có thể xuất hiện đau khớp gối khi hoạt động quá nhiều, đứng lên ngồi xuống liên tục, lên xuống cầu thang hoặc ngồi xổm.
Thoái hóa khớp gối độ hai
Hình ảnh chụp X-Quang có hiện tượng hẹp khe khớp nhẹ, có gai xương nhỏ. Đây là giai đoạn thoái hóa khớp mức độ nhẹ, lớp sụn khớp chưa bị tổn thương nhiều, bao hoạt dịch vẫn hoạt động bình thường cung cấp đủ dịch khớp để nuôi dưỡng lớp sụn đồng thời giúp bôi trơn ổ khớp.
Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng đầu tiên như đau khớp gối sau một ngày dài chạy hoặc đi bộ, cứng khớp nhiều hơn khi không cử động trong vài giờ, đau hoặc thấy khó chịu khi ngồi xổm, quỳ gối.
Thoái hóa khớp gối độ ba
Hình ảnh chụp X-quang cho thấy có tổn thương hẹp khe khớp rõ, xơ xương dưới sụn, nhiều gai xương kích thước khác nhau, đầu xương có thể bị biến dạng.
Đây là giai đoạn thoái hóa khớp gối mức độ trung bình. Sụn khớp gối có dấu hiệu tổn thương rõ ràng, không gian giữa các xương thu hẹp lại, gai xương nhiều làm khớp bị biến dạng gây ảnh hưởng đến sự vận động của khớp. Người bệnh thường xuyên đau khớp gối, đi lại vận động khó khăn, nhất là khi leo cầu thang, đứng lâu, đi nhiều, ngồi xổm, nhiều khi đi bộ nhẹ nhàng cũng đau khớp. Mô mềm bao quanh khớp còn bị viêm, dẫn đến viêm bao hoạt dịch với biểu hiện đầu gối sưng đau khó tả.
Thoái hóa khớp gối độ 4
Hình ảnh chụp X-quang có tình trạng hẹp khe khớp nhiều, thậm chí có thể hẹp toàn bộ khe khớp, xơ xương dưới sụn, gai xương kích thước lớn, đầu xương bị biến dạng rõ.
Ở giai đoạn thoái hóa khớp mức độ nặng này, sụn khớp gần như bị bào mòn hoàn toàn rồi bong tróc để lộ các đầu xương, có thể tổn thương bao hoạt dịch nên không thể bôi trơn sụn khớp khi vận động. Do đó, người bệnh bị hạn chế vận động khớp gối, đau khi vận động, có thể nghe tiếng lạo xạo lục cục khi vận động khớp gối do các đầu xương chạm vào nhau.
Người bệnh cảm thấy đau nhức thường xuyên liên tục, có những cơn đau khớp dữ dội, đau tăng khi vận động, cứng khớp buổi sáng, biến dạng khớp gối do hẹp khe khớp, gây lệch trục, viêm khớp gối xảy ra thường xuyên hơn, tràn dịch khớp gối.
Bác sĩ Thư cho biết thoái hóa khớp gối chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị có tác dụng kiểm soát tốc độ tiến triển của bệnh, giảm đau, phục hồi khả năng vận động và ngăn ngừa biến chứng. Quá trình điều trị là sự kết hợp của những liệu pháp sau:
Thay đổi lối sống bằng cách giảm cân, tránh những tư thế xấu và tập thể dục thường xuyên. Từ đó, giảm áp lực tác động lên khớp gối, tăng cường độ linh hoạt và sức mạnh các cơ xung quanh khớp gối, giúp khớp ổn định hơn và làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
Dùng thuốc theo chỉ định: Tùy theo mức độ tổn thương, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc theo đường uống, đường tiêm hoặc kết hợp cả hai. Một số loại thuốc phổ biến như acetaminophen, các thuốc kháng viêm NSAIDs, corticosteroid hoặc axit hyaluronic...
Vật lý trị liệu: Phương pháp này mang lại hiệu quả giảm đau, cải thiện chức năng vận động. Các bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường sức mạnh cơ đùi và tăng tính linh hoạt của khớp. Tuy nhiên, chọn lựa hình thức và cường độ tập luyện cần được cá nhân hóa, thiết kế riêng cho từng người.
Phẫu thuật được chỉ định khi người bệnh có tình trạng thoái hóa khớp gối tiến triển và không đáp ứng giảm đau với các biện pháp điều trị bảo tồn. Tùy vào mức độ tổn thương, người bệnh có thể được nội soi khớp, phẫu thuật đục xương chỉnh trục hoặc thay khớp gối nhân tạo.
Thoái hóa khớp gối là bệnh lý mạn tính phổ biến, có thể kiểm soát tốt nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Bác sĩ Thư khuyến cáo người bệnh đi khám nếu có các dấu hiệu cảnh báo. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ hoặc ngay khi có bất thường.
Phi Hồng