Trả lời:
Hiện Việt Nam xuất hiện các biến chủng mới như: XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16... có tốc độ lây lan nhanh vượt trội so với biến chủng cũ như Omicron. Bạn đã tiêm ba mũi vaccine Covid-19, có thể có miễn dịch sau lần mắc đầu tiên. Tuy nhiên miễn dịch này chỉ có thể kéo dài ít nhất đến 6 tháng và sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tái nhiễm Covid-19 thêm một hoặc nhiều lần nữa.
Theo tạp chí Nature, dữ liệu từ các quốc gia cho thấy tỷ lệ tái nhiễm Covid-19 dao động từ 5-15%, dự kiến sẽ tăng theo thời gian. Dấu hiệu khi tái nhiễm tùy vào loại biến chủng. Ví dụ khi bạn nhiễm biến chủng XBB.1.5 và XBB.1.9.1 triệu chứng chủ yếu là sốt, ngạt mũi, ho; biến chủng XBB.1.16 chủ yếu gây sốt, đau họng, chảy nước mũi. Khi tái nhiễm, thời gian cơ thể đào thải virus trung bình khoảng 5 ngày (lần mắc đầu tiên là 7 ngày). Những người tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ đào thải virus nhanh hơn.
Những người có triệu chứng nhẹ trong lần nhiễm Covid-19 đầu tiên thường có triệu chứng nhẹ khi tái nhiễm. Nghiên cứu so sánh giữa 6.000 người đã nhiễm một lần và 1.300 người tái nhiễm, kết quả cho thấy tỷ lệ mắc bệnh nghiêm trọng, nguy kịch hoặc tử vong khi tái nhiễm thấp hơn gần 90% so với nhiễm lần đầu.
Tái nhiễm có nguy cơ rủi ro cao nhất trên những người từng mắc Covid-19 nặng. Người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tiểu đường, người suy giảm miễn dịch... có nguy cơ diễn tiến nặng khi tái nhiễm Covid-19. Theo phân tích của Sở Y tế TP HCM về các ca mắc Covid-19 nhập viện gần đây, nhóm có bệnh nền chiếm 86%.
Mỗi người nên thực hiện biện pháp phòng vệ trước Covid-19 để ngăn nguy cơ tái nhiễm. Cụ thể là tiêm liều vaccine nhắc lại; đeo khẩu trang nơi công cộng; tránh tụ tập đông người. Những người cao tuổi, có bệnh nền cần điều trị ổn định bệnh lý nền, tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu khuẩn... để phòng ngừa bệnh chồng bệnh, giảm nguy cơ chuyển nặng nếu nhiễm Covid-19.
Thạc sĩ, bác sĩ Mai Mạnh Tam
Phó khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội