Theo ThS.BS Nguyễn Kim Tân, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, viêm ruột thừa nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ gây vỡ ruột thừa, dẫn đến nhiễm trùng ổ bụng, viêm phúc mạc, áp xe, có thể dẫn đến tử vong. Cách tốt nhất là người bệnh cần được phẫu thuật cắt ruột thừa để bảo vệ tính mạng.
Phẫu thuật cắt ruột thừa là một phương pháp nhằm loại bỏ ruột thừa bị viêm, nhiễm trùng hoặc ngay cả khi không bị viêm để ngăn ngừa nguy cơ. Bác sĩ có thể áp dụng một trong số các phương pháp như mổ mở, phẫu thuật nội soi bằng dụng cụ nội soi hoặc phẫu thuật nội soi có hỗ trợ bằng robot để loại bỏ ruột thừa. Tùy vào mức độ nghiêm trọng và bệnh nền của người bệnh mà bác sĩ lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Các phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa
Cắt ruột thừa bằng phương pháp mổ mở (phẫu thuật truyền thống): bác sĩ sẽ rạch một đường phía dưới bên phải bụng để cắt bỏ ruột thừa và khâu vết thương lại sau khi hoàn thành. Phương pháp này thường được áp dụng cho bệnh nhân có bệnh lý tim mạch hoặc hô hấp nặng không thể chịu đựng được phẫu thuật nội soi, các trường hợp sốc nhiễm trùng không thể bơm khí phúc mạc và các chống chỉ của gây mê hồi sức.
Phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa: bác sĩ sẽ tạo một vài vết rạch nhỏ trên bụng, luồn ống thông vào để làm phồng bụng. Khi bụng đã căng phồng, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ nội soi được gắn camera có độ phân giải lớn và ánh sáng cường độ cao qua vết mổ để nhìn rõ bên trong bụng, từ đó, điều khiển các dụng cụ phẫu thuật. Sau khi cắt và đưa ruột thừa ra bên ngoài, bác sĩ sẽ khâu các vết rạch lại.
Phẫu thuật nội soi bằng robot: bác sĩ sẽ sử dụng một robot phẫu thuật để thực hiện cắt ruột thừa thay vì dùng dụng cụ nội soi.
Những điều cần làm trước, trong và sau khi mổ ruột thừa
Trước khi mổ ruột thừa: người bệnh không được ăn uống bất cứ thứ gì, đồng thời thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc đang dùng, kể cả vitamin và thảo dược cũng như tình trạng dị ứng với các loại thuốc, thực phẩm hoặc các chất khác (nếu có).
Trong khi phẫu thuật: người bệnh được gây mê nội khí quản, sau đó ngủ thiếp đi và không cảm thấy đau trong quá trình phẫu thuật do tác dụng của thuốc gây mê.
Sau khi phẫu thuật:
Tại bệnh viện: người bệnh được chuyển đến phòng hồi sức và kiểm tra huyết áp, nhịp tim và hơi thở thường xuyên. Ngày đầu sau mổ người bệnh bắt đầu tập ăn thức ăn từ lỏng tới đặc nên đi lại nhẹ nhàng sớm quanh giường để tránh dính ruột và tụ dịch ổ bụng sau mổ.
Sau mổ ruột thừa nội soi khoảng 1-2 ngày, người bệnh có thể được xuất viện nếu không xảy ra biến chứng. Trường hợp phẫu thuật do vỡ ruột thừa thì người bệnh cần nằm viện lâu hơn. Bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh tập cách hít thở sâu và ho để tránh bị nhiễm trùng phổi sau khi phẫu thuật.
Về nhà: người bệnh nên tiếp tục nghỉ ngơi và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được vận động mạnh, chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng. Người bệnh có thể tắm bằng vòi sen nhưng không nên tắm bồn trong tuần đầu tiên sau khi mổ và cần thay băng vết thương sau mỗi lần tắm. Chế độ ăn nên có nhiều rau xanh, trái cây, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra, người bệnh cũng nên hít thở sâu và ho thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau 3-4 tuần, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường, 7 ngày sau mổ tái khám để bác sĩ kiểm tra lại vết mổ và cắt chỉ.
Biến chứng khi cắt ruột thừa
Biến chứng phổ biến nhất của phẫu thuật cắt ruột thừa là nhiễm trùng vết thương. Việc hình thành áp xe ở vùng ruột thừa đã cắt bỏ hoặc vết mổ cũng có thể xảy ra. Ngoài ra, một số biến chứng ít hoặc hiếm gặp khác gồm có tắc ruột sau mổ, tổn thương đối với các cơ quan lân cận hoặc cấu trúc bên trong như thủng ruột, tổn thương niệu quản, xì dò mỏm cắt ruột thừa gây viêm phúc mạc. Viêm phúc mạc là biến chứng nguy hiểm cần phải cấp cứu ngay lập tức.
Bác sĩ Kim Tân khuyến cáo, người bệnh cần đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các triệu chứng sau khi phẫu thuật như: sốt trên 38,5 độ C, đau dữ dội hoặc sưng ở bụng, cảm thấy đau bụng hoặc nôn nao, máu hoặc mủ chảy ra từ bất kỳ vết cắt nhỏ nào trong khu vực phẫu thuật hoặc xuất hiện vết đỏ lan rộng hoặc đã dùng thuốc giảm đau nhưng không đỡ, bị khó thở hoặc ho không khỏi.
Phẫu thuật là phương pháp cần thiết để điều trị viêm ruột thừa, cần được tiến hành sớm để hạn chế rủi ro cho sức khỏe. Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để tránh nguy cơ biến chứng.
Hoàng My