BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết dấu hiệu viêm màng não mô cầu ở trẻ gồm sốt cao, ho, đau họng, đau đầu, đau mỏi cơ, ăn kém... Trẻ nhỏ có thể bỏ bú. Triệu chứng bệnh tương tự như các biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp thông thường khiến phụ huynh dễ bỏ qua dấu hiệu sớm.
Tuy nhiên, bệnh do não mô cầu có một số đặc điểm cảnh báo như khởi phát đột ngột, các triệu chứng rầm rộ. Trong một số trường hợp, trẻ có thể sốt cao đột ngột, liên tục đến 41 độ C, kèm đau đầu dữ dội, co giật, buồn nôn, nôn, cứng cổ. Trẻ sơ sinh xuất hiện các biểu hiện như thóp căng phồng, li bì, bỏ bú...
Sau khi sốt 1-2 ngày, bệnh nhi thường có những nốt tử ban trên da có màu xanh tím hoặc đỏ thẫm với đường kính 1-5 mm. Tử ban có thể xuất hiện độc lập hoặc liên kết với nhau tạo thành đám, lan truyền nhanh chóng hình thành vùng da hoại tử.
Giai đoạn nổi các nốt tử ban (nhất là ở vùng thân, hai chân) là dấu hiệu có thể người bệnh đã và đang đối mặt với các biến chứng nhiễm độc nặng do vi khuẩn não mô cầu gây ra như nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, thậm chí tử vong trong 24 giờ.
Theo Cục Y tế dự phòng, khoảng 10-20% người mang vi khuẩn não mô cầu không có triệu chứng, con số này hơn 50% khi có dịch bệnh xảy ra.
Thông tin đăng tải trên Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ ghi nhận mỗi năm thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu, trong đó có 135.000 ca bệnh tử vong. Khoảng 50% người mắc não mô cầu không được điều trị sẽ tử vong. Khoảng 5-15% trường hợp tử vong dù được điều trị tích cực.
Theo Niên giám thống kê bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế năm 2016, viêm màng não mô cầu là một trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm màng não do não mô cầu tại Việt Nam có thể xảy ra dịch vào thời tiết mùa thu, đông và xuân, nhất là ở các xã vùng núi biên giới. Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ và cũng có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết vi khuẩn não mô cầu sống ở vùng mũi, họng và lây qua người thông qua ho, hắt hơi, nói chuyện. Nhiều người bị nhiễm não mô cầu nhưng chỉ sốt hoặc viêm mũi họng hoặc mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng là nguồn lây bệnh khó kiểm soát.
Bác sĩ Chính khuyến cáo ngoài các biện pháp vệ sinh thông thường như rửa tay, sát khuẩn họng, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, cần tiêm vaccine để phòng bệnh. Hiện trên thị trường Việt Nam có ba loại vaccine phòng viêm màng não mô cầu có thể tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến người lớn 55 tuổi.
Nhật Linh
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |