BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết, tháng 6-10 là thời gian bệnh do não mô cầu phát triển mạnh nhất. Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh cao là trẻ em dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 10-16 tuổi.
Não mô cầu có thể phòng ngừa hiệu quả
Theo chia sẻ của bác sĩ Bạch Thị Chính, nhiều gia đình đã mất đi người thân chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ vì căn bệnh viêm màng não do não mô cầu. Do đó, cần cải thiện mức độ bao phủ vaccine để nhiều người được bảo vệ hơn. Đây cũng là khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngoài ra, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; vệ sinh thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
Đến thời điểm này, thế giới phát hiện 13 chủng vi khuẩn não mô cầu. Tại Việt Nam, các chủng vi khuẩn não mô cầu được cảnh báo nguy hiểm gồm các chủng A, B, C. Do đó, nên tiêm ngừa cả hai vaccine phòng viêm não mô cầu AC và BC. Nếu chỉ tiêm phòng viêm não mô cầu BC vẫn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn não mô cầu tuýp A. Ngược lại, nếu chỉ tiêm phòng viêm não mô cầu AC vẫn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn não mô cầu tuýp B.
Ngoài ra, viêm màng não còn do một số vi khuẩn khác phòng ngừa được bằng vaccine như vaccine ngừa viêm màng não do phế cầu khuẩn Prevenar 13, Synflorix; vaccine ngừa viêm màng não do vi khuẩn Hib.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bệnh do não mô cầu có tỷ lệ tử vong cao cấp 5 lần bệnh cúm. Để phát hiện sớm các trường hợp trẻ bị viêm não và tránh bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đến các triệu chứng như: sốt rất cao kèm đau đầu, uống hạ sốt không hạ, buồn nôn và nôn ngay cả khi không đúng bữa ăn, cơ thể kích thích, vật vã, trẻ sơ sinh thì khóc thét, li bì... Bất kỳ khi nào nếu cảm thấy tình trạng sức khỏe trở nên xấu đi nhanh chóng, hãy nhập viện cấp cứu ngay, kể cả trước đó được bác sĩ thăm khám trong ngày.
Trẻ nhập viện vào giờ thứ 19 là thời gian trễ để điều trị
Não mô cầu là bệnh lưu hành hàng năm trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, bệnh thường bùng phát vào thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa. Miền Nam đang giao mùa nên đây là thời gian bệnh não mô cầu phát triển, nguy cơ lây nhiễm cao.
Bệnh do não mô cầu xâm lấn (IMD) khó chẩn đoán sớm, diễn tiến nhanh, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong đó, hai tình trạng viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết chiếm đến 80-90% các dạng lâm sàng gây ra bởi não mô cầu. Các triệu chứng sớm như sốt, khó chịu, đau họng... là không đặc hiệu, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh hô hấp khác.
Cụ thể, trong giờ thứ 4-12: các triệu chứng không đặc hiệu (giống như cúm), gồm: sốt, bứt rứt, đau họng, chán ăn, đau nhức người. Trong giờ thứ 12-15: xuất hiện các nốt xuất huyết (tử ban), cứng cổ, sợ ánh sáng. Từ giờ thứ 15- 24, bệnh nhân lú lẫn hoặc mê sảng, co giật, bất tỉnh, có thể tử vong. Tuy vậy, bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, ghi nhận trên thực tế, thời điểm nhập viện của đa số bệnh nhân là vào giờ thứ 19, quá trễ để điều trị.
Nốt tử ban là nốt có màu đỏ hoặc tím thẫm, kích thước khoảng 1-2 mm đến vài cm, có thể ở khắp người nhưng tập trung chủ yếu ở nách, hông, quanh các khớp như khuỷu, gối, cổ chân. Nốt tử ban đôi khi có dạng bóng nước hoặc lan rộng. Khoảng 75% trường hợp bệnh nhân có xuất hiện nốt tử ban trong vòng 1-2 ngày sau sốt.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, viêm màng não mô cầu diễn tiến nhanh, có thể chuyển xấu trong 24 giờ, do 2 nguyên nhân chính là nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn huyết gây ra do não mô cầu khuẩn có ba thể gồm: tối cấp, cấp và mạn tính.
Ở thể tối cấp, bệnh được tiên lượng nặng ngay từ đầu với triệu chứng trụy tim mạch, xuất huyết ồ ạt do rối loạn vi tuần hoàn kết hợp với hội chứng đông máu rải rác nội mạch. Tình trạng này khiến người bệnh bị suy hô hấp, suy tuần hoàn do tình trạng giảm oxy máu, giảm thể tích nội mạch do đông máu nội mạch rải rác hoặc rơi vào tình trạng thoát vị não (nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất trong giai đoạn cấp tính), bác sĩ Khanh cho biết.
Hiếu Hiền