Gai khớp gối là tình trạng xuất hiện những gai xương ở khớp gối bị tổn thương. Đây là cách mà cơ thể ứng phó với quá trình bào mòn sụn khớp, hỗ trợ ổn định khớp gối bị thoái hóa. Về cơ bản, các gai xương này có thể hình thành ngay từ giai đoạn đầu của thoái hóa khớp gối nhưng chỉ được phát hiện thông qua phim chụp X-quang khi bệnh đã phát triển đến giai đoạn 2. Gai xương phát triển mạnh vào giai đoạn 3 và có nguy cơ gây biến dạng đầu xương trong trường hợp thoái hóa khớp gối giai đoạn 4.
ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, mặc dù dấu hiệu nhận biết gai xương khớp gối ở mỗi người là khác nhau nhưng nhìn chung, bệnh thường làm xuất hiện các triệu chứng như:
Đau đầu gối khi vận động: Đây là triệu chứng thường gặp nhất ở người bệnh gai xương khớp gối. Cơn đau có xu hướng nặng hơn khi người bệnh thực hiện những động tác gây thêm áp lực lên khớp gối như ngồi xổm, đứng lâu, co duỗi chân, lên xuống cầu thang...
Đầu gối bị sưng tấy: Lớp sụn khớp gối bị bào mòn sẽ làm cho các đầu xương đùi, xương chày và đôi khi cả xương bánh chè cọ xát với nhau, gây kích ứng. Tình trạng này không chỉ kích thích gai xương hình thành mà còn góp phần tăng tiết dịch khớp, dẫn đến tình trạng sưng khớp gối.
Đầu gối tê bì mất cảm giác do gai khớp gối phát triển quá mức, chèn ép các dây thần kinh xung quanh.
Cứng khớp gối thường gặp vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu, có thể kéo dài đến 30 phút. Khớp gối bị cứng sẽ làm giảm đáng kể khả năng cũng như biên độ vận động.
Bác sĩ Khoa Học chia sẻ, gai xương khớp gối thường gặp ở những người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ; người từng bị chấn thương đầu gối, rách sụn chêm, đứt rách dây chằng chéo trước, yếu cơ gân kheo, cơ tứ đầu đùi hoặc bắp chân; có tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp gối; vận động viên và những người làm công việc chân tay nhiều... Gai xương xuất hiện cho thấy phần sụn ở khớp gối đã bị thoái hóa nghiêm trọng. Lúc này, các triệu chứng đau yếu, tê ngứa chân do gai xương chèn ép các mô mềm và dây thần kinh xung quanh không còn là vấn đề duy nhất. Nếu không được can thiệp và kiểm soát sớm, người bệnh sẽ phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng liên quan đến thoái hóa khớp gối khác, bao gồm: teo cơ đùi, hông dẫn đến giảm khả năng giữ thăng bằng; xơ xương dưới sụn, góp phần kích thích gai xương phát triển thêm...
Tùy thuộc vào sự phát triển của gai xương khớp gối cũng như mức độ ảnh hưởng của tình trạng này đến sinh hoạt thường ngày, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị như dùng thuốc, tập vật lý trị liệu và phẫu thuật. Đối với phương pháp điều trị bằng thuốc, người bệnh thường được chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid nhằm giảm viêm sưng ở khớp gối.
Trong trường hợp thuốc giảm đau dạng uống không đem lại hiệu quả như mong đợi hoặc người bệnh có vấn đề về đường tiêu hóa, bác sĩ có thể sẽ kê toa thuốc giảm đau và sưng viêm dưới dạng kem bôi hoặc thuốc tiêm tại chỗ.
Một phương pháp điều trị bảo tồn hiệu quả khác dành cho các vấn đề liên quan đến cơ xương khớp là tập vật lý trị liệu. Người bệnh sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập nhằm tăng cường sức mạnh cho nhóm cơ hỗ trợ khớp gối hoạt động và khắc phục những hạn chế trong vận động.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng, sẽ đồng thời giải quyết vấn đề sụn khớp gối bị hư tổn và loại bỏ gai xương. Hiện nay, nội soi khớp gối là dạng phẫu thuật được nhiều bác sĩ lựa chọn bởi ưu điểm ít xâm lấn và phục hồi nhanh chóng.
Phi Hồng