Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn lao còn có khả năng tấn công vào các cơ quan khác trong cơ thể gây bệnh lao màng não, lao xương, lao màng bụng, lao màng tim...
TS.BS Chu Thị Hà, Đơn vị Nội Tổng hợp, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết người bệnh lao phát tán vi khuẩn ra môi trường xung quanh thông qua hoạt động hô hấp, hắt hơi, ho, khạc đàm... Bệnh lao phổi thường diễn tiến qua ba giai đoạn.
Lao nguyên phát (lao phơi nhiễm)
Khi một người tiếp xúc với vi khuẩn lao thông qua giọt bắn của người bệnh, các tế bào trong hệ thống miễn dịch của cơ thể bắt đầu nhận diện vi khuẩn lạ xâm nhập, tấn công, tiêu diệt vi khuẩn. Người bệnh lao nguyên phát thường không có triệu chứng hoặc biểu hiện giống như bị cảm lạnh hay cảm cúm thông thường như ho, mệt mỏi, sốt nhẹ...
Lao tiềm ẩn (lao ủ bệnh)
Sau giai đoạn phơi nhiễm, một lượng vi khuẩn lao nhất định chưa bị tiêu diệt bắt đầu ủ bệnh trong cơ thể. Các tế bào của hệ thống miễn dịch tiết ra kháng thể bảo vệ cơ thể. Lúc này kết quả xét nghiệm miễn dịch sẽ dương tính.
Với người khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch ngăn chặn không cho vi khuẩn lao sinh sôi phát triển thành bệnh. Vi khuẩn có thể vẫn tồn tại trong cơ thể nhiều năm nhưng không bùng phát bệnh, không gây triệu chứng. Xét nghiệm miễn dịch dương tính chứng tỏ cơ thể có vi khuẩn lao dù phim chụp X-quang ngực không phát hiện dấu hiệu tổn thương phổi. Tuy nhiên, người có hệ miễn dịch suy yếu (người cao tuổi, trẻ sơ sinh, người mắc bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ, ung thư...), vi khuẩn lao gây tổn thương phổi, dẫn đến giai đoạn bùng phát bệnh.
Lao hoạt động (bùng phát)
Đây là giai đoạn thứ ba của bệnh lao phổi. Người bệnh có những biểu hiện triệu chứng như ớn lạnh, sốt cao, sốt về chiều, khó thở kéo dài (kể cả khi không vận động hoặc chỉ vận động nhẹ), ho nhiều, ho ra máu, đau tức ngực...
Trong giai đoạn lao hoạt động, người bệnh không được chẩn đoán kịp thời và điều trị tích cực dẫn đến tổn thương phổi tăng nhanh. Người bệnh ho ra máu, tràn khí hoặc tràn dịch màng phổi, tắc nghẽn phổi, xẹp phổi, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng.... Trong một vài trường hợp, vi khuẩn lao lây lan qua đường máu hoặc đường hạch bạch huyết di chuyển đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể và gây bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 11 trong nhóm 30 quốc gia có gánh nặng về bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Việt Nam ghi nhận hơn 106.000 ca mắc lao năm 2023, 11.000 người tử vong do bệnh này.
Bác sĩ Hà khuyến cáo người từng tiếp xúc với người bệnh lao phổi hoặc có triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh về chiều, sụt cân, mệt mỏi, ho khan nên đi khám. Nếu bệnh để lâu, không được phát hiện và điều trị dễ tiến triển nặng, gây biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh lao phổi dựa trên kết quả ghi nhận các triệu chứng bệnh và các yếu tố nguy cơ, khám lâm sàng. Xét nghiệm tìm vi khuẩn lao qua mẫu đàm bằng phương pháp soi nhuộm trực tiếp, sinh học phân tử, nuôi cấy. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như X-quang phổi hoặc CT phổi cũng được chỉ định tùy trường hợp cụ thể. Hiện máy CT 768 lát cắt hoặc 1975 lát cắt giúp phát hiện sớm dấu hiệu tổn thương phổi kích thước nhỏ, từ đó hỗ trợ chẩn đoán lao phổi.
Theo bác sĩ Hà, bệnh lao phổi có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng cách dùng thuốc theo phác đồ. Tuy nhiên, dùng thuốc điều trị lao có thể dẫn đến một số tác dụng phụ. Người bệnh có triệu chứng mắt nhìn mờ, đau nhức khớp ngón tay, ngón chân... nên thông báo cho bác sĩ. Người bị lao phổi nên tuân thủ điều trị đồng thời phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh.
Trường Giang
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |