Trả lời:
Hen suyễn (hen phế quản) còn gọi là bệnh viêm niêm mạc phế quản mạn tính đặc trưng bởi tình trạng tắc nghẽn đường thở do sưng viêm, phù nề niêm mạc phế quản, tăng tiết dịch nhầy, co thắt cơ trơn phế quản. Tình trạng này xảy ra khi gặp tác nhân kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra triệu chứng ho, nặng ngực, khó thở, khò khè.
Các dấu hiệu của cơn hen cấp thường khác nhau ở mỗi người bệnh. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết nhất là khò khè, khó thở (hơi thở ngắn), đau hoặc nặng ngực, ho nhiều. Các biểu hiện thường xuất hiện đột ngột, xảy ra sau một yếu tố kích thích như gắng sức quá mức, tiếp xúc với các chất gây dị ứng (thuốc, thức ăn, bụi, hóa chất...), thay đổi thời tiết, nhiễm virus hô hấp hoặc số đo lưu lượng đỉnh thở ra (PEF) thấp. Bác sĩ xác định mức độ cơn hen cấp của người bệnh gồm cơn hen nhẹ, trung bình, nặng hay nguy kịch để xử trí và tiên lượng kịp thời.
Khi xuất hiện cơn hen suyễn nặng, người bệnh cần đi cấp cứu ngay lập tức để tránh những hậu quả xấu xảy ra. Các dấu hiệu cảnh báo tình trạng nặng là khó thở liên tục, không nằm được, phải ngồi ngả ra trước để thở, nói từng từ (khó nói, khó ho), co kéo các cơ hô hấp phụ gồm cơ ức đòn chũm, cơ liên sườn, cơ cánh mũi, xuất hiện nhiều ran rít hai phổi, thở nhanh, tụt SpO2 dưới 90%, tinh thần bị kích thích, vã mồ hôi, tím tái, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng bất thường.
Một cơn hen phế quản kéo dài có thể nặng lên, trở thành nguy kịch nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Những biến chứng có thể xảy ra như tràn khí màng phổi hoặc trung thất, nhiễm khuẩn bệnh viện, rối loạn nước, điện giải.
![Bác sĩ Ngọc Lan khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/15/image001-1739581046-8145-1739581240.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=R9vUqeZBgpy06jmJ8kzZlw)
Bác sĩ Ngọc Lan khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Để phòng tránh cơn hen phế quản, bạn nên lưu ý các điều dưới đây:
Tuân thủ dùng thuốc và điều trị dự phòng hen theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngừng thuốc hoặc giảm liều, tái khám định kỳ.
Nếu bạn có hút thuốc lá thì nên từ bỏ thói quen này và tránh tiếp xúc thụ động với khói thuốc.
Người bệnh hen được khuyến khích tập luyện để cải thiện sức khỏe. Tránh bài tập cường độ mạnh, yêu cầu gắng sức nhiều, nên thực hiện các bài tập thở bụng, thở chúm môi và bài tập thể dục thông thường.
Tránh các loại thuốc có thể khiến bệnh hen nặng lên như thuốc kháng viêm không steroid hoặc thuốc chẹn beta dùng cho các bệnh lý tim mạch.
Thực hiện chế độ ăn phù hợp, ăn nhiều rau và trái cây tươi, không dùng thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng.
Loại bỏ nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà như đun nấu bằng bếp than, bếp củi... hoặc phải có ống thông khí ra ngoài nếu sử dụng.
Tránh hoạt động thể lực cường độ cao ở nơi có tình trạng ô nhiễm nặng, khi thời tiết quá lạnh hoặc độ ẩm thấp. Hạn chế đến nơi đông người trong những đợt bùng phát virus gây bệnh đường hô hấp.
Cần kiểm soát cảm xúc như cười to, khóc, giận dữ hoặc sợ hãi bằng các bài tập thư giãn hoặc hít thở phù hợp.
Tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm một lần nhằm giảm các cơn hen cấp tính, tiêm vaccine phòng phế cầu, vaccine phòng ho gà.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |