Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh mạn tính có thể gây viêm và đau bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Ở giai đoạn sớm, bệnh xuất hiện ngoài da, cơ xương khớp; sau đó đến các cơ quan khác như thận, tim mạch, nội tiết, hệ thần kinh... Nếu không được điều trị kịp thời và kiểm soát tốt, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, tàn phá nhiều cơ quan, dẫn đến tử vong.
Theo ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lupus ban đỏ là bệnh khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác. Hiện nay vẫn chưa có xét nghiệm riêng biệt nào để xác định người bệnh có mắc lupus ban đỏ hay không. Bác sĩ có thể mất hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm để thu thập tất cả thông tin về triệu chứng, xét nghiệm, tiền sử bệnh của người bệnh và gia đình... để chẩn đoán.
Lupus ban đỏ còn có thể tấn công nhiều bộ phận trên cơ thể. Tùy vào khu vực bị ảnh hưởng, người bệnh có thể có cảm thấy đau bụng, buồn nôn (đường tiêu hóa); khó thở, ho ra máu, tràn dịch màng phổi (phổi); phù chân (thận); thay đổi tính cách, suy giảm trí nhớ, ngứa ran, co giật (não và thần kinh). Bác sĩ có thể cần loại trừ các nguyên nhân khác trước khi chẩn đoán bệnh này.
Bác sĩ Vân cho biết phương pháp điều trị dứt điểm lupus ban đỏ vẫn chưa được tìm ra. Điều trị tập trung vào giảm triệu chứng, ngăn chặn các đợt khởi phát bệnh cấp, hạn chế tiến triển, giảm tổn thương và ngăn ngừa biến chứng.
Dù không thể điều trị khỏi hoàn toàn, phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh. Người bệnh nên đến bác sĩ khám sớm nếu phát hiện các dấu hiệu cảnh báo dưới đây.
Đau khớp: Khớp đau, cứng và sưng tấy, nhất là vào buổi sáng. Mức độ có thể tăng dần và rõ ràng hơn. Ở một số trường hợp, triệu chứng có thể tự biến mất sau một thời gian.
Mệt mỏi: Đa số người bệnh đều trải qua những giai đoạn rất mệt mỏi, kéo dài dẫn đến suy nhược cơ thể.
Sốt: Nhiệt độ cơ thể cao thường xuyên và không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên vì sốt nhẹ nên nhiều người thường chủ quan.
Rụng tóc: Rụng tóc từng sợi hoặc từng mảng tóc lớn, lộ da đầu, xảy ra khi bệnh tấn công gây viêm da, tóc trở nên yếu, cứng và dễ gãy rụng. Không chỉ tóc mà một số người bệnh còn bị thưa râu, lông mi, lông mày.
Khô miệng, khô mắt: Lupus ban đỏ làm phát triển bệnh Sjogren. Đây là hội chứng rối loạn tự miễn dịch, làm cho các tuyến chịu trách nhiệm về nước mắt và nước bọt hoạt động sai, tích tụ các tế bào lympho. Phụ nữ có thể xuất hiện tình trạng khô âm đạo và da.
Phát ban trên da: Đặc trưng là phát ban dạng "cánh bướm", xuất hiện chủ yếu trên má và sống mũi, nặng hơn khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Theo nhiều nghiên cứu, nguyên nhân gây bệnh có thể là kết hợp yếu tố di truyền, nội tiết tố và môi trường. Dù không thể hoàn toàn tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh nhưng phụ nữ, người có người thân bị lupus, thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím... nên chủ động phòng ngừa.
Bác sĩ Vân khuyến cáo những nhóm người này hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng, quần áo dài tay, khăn và mũ che chắn khi ra ngoài; tiêm vaccine để nâng cao hệ thống miễn dịch; hạn chế ăn các món từ mỡ động vật, kiêng chất kích thích; sống lành mạnh.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |