Trả lời:
Ho là phản xạ giúp cơ thể loại bỏ vi trùng hoặc những thứ có hại khác trong đường hô hấp, nhưng không phải tất cả các cơn ho đều cảnh báo tình trạng bệnh giống nhau. Ít nhất 65% người mắc ung thư phổi có xuất hiện ho tại thời điểm được chẩn đoán, tăng lên trên 80% với người mắc bệnh ở giai đoạn nặng (ung thư đã di căn tới các bộ phận khác), theo WebMD.
Nhiều nguyên nhân gây ra ho, trong đó có ung thư phổi (dù đây không phải nguyên nhân phổ biến). Khối u do ung thư phổi có thể gây kích ứng đường thở, kích hoạt phản xạ ho của người bệnh; khối u cũng có thể thu hẹp đường thở, ngăn cản khả năng đào thải chất nhờn, tạo điều kiện cho vi trùng gây bệnh bám quanh phổi gây ho. Ngoài ra ung thư phổi có thể làm tích tụ chất lỏng giữa phổi và ngực (tràn dịch màng phổi), tạo ho kèm khó thở, đau ngực.
Khoảng 2% trường hợp ho mạn tính là do ung thư phổi. Đặc điểm của cơn ho do bệnh này có thể bao gồm: ho dai dẳng thường kéo dài trên 3 tuần, tình trạng ho ngày càng tồi tệ hơn, ho khan, xuất hiện các cơn co thắt, đau khi thở hoặc khi ho, ho ra máu hoặc chất nhầy màu gỉ sắt... Đặc biệt người bị ho do ung thư phổi thường cảm thấy mệt mỏi, khó thở dai dẳng hoặc cảm thấy thiếu năng lượng. Các triệu chứng phổ biến khác có thể bao gồm: sụt cân không lý do, ăn kém, đau ngực, khàn tiếng, thở khò khè, trầm cảm, gặp khó khăn trong khi hoạt động thể chất...
Việc điều trị ung thư phổi phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, loại ung thư phổi, vị trí, kích thước của khối u. Do đó, người bệnh được chẩn đoán sớm sẽ có tiên lượng tốt hơn. Người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa nếu cơn ho xuất hiện và kéo dài hơn một tuần. Qua khai thác bệnh sử, nếu nghi ngờ ung thư phổi bác sĩ sẽ yêu cầu sàng lọc và làm các xét nghiệm liên quan để có thêm cơ sở chẩn đoán xác định như chụp X-quang ngực, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), nội soi phế quản và sinh thiết khối u... Nếu người bệnh được chẩn đoán xác định bệnh và điều trị phù hợp thì tình trạng ho sẽ cải thiện. Trường hợp của bạn nên đi khám sớm để bác sĩ đưa ra những đánh giá chính xác, hướng điều trị phù hợp nhất.
Ngoại trừ ung thư phổi, các nguyên nhân khác cũng có thể gây ho như: hút thuốc, không khí ô nhiễm, người bị bệnh phổi tắc nghẽn (COPD), hen suyễn, chảy dịch mũi sau, bệnh tim, trào ngược dạ dày thực quản, viêm phế quản mạn tính...
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Hưng
Khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội