Các khối u não có thể hình thành khi có sự đột biến không rõ nguyên nhân trong DNA khiến các tế bào phân chia mất kiểm soát. ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, với trường hợp trẻ em sinh ra bị u não, đa số trường hợp có liên quan đến tế bào phát triển bất thường từ trong phôi thai. Các tế bào này có thể để lại nhiều vết tích và tạo thành khối u não.
Trong nhiều năm công tác điều trị u não, bác sĩ Tấn Sĩ từng gặp nhiều trường hợp trẻ được phát hiện mắc u não trong những năm đầu đời, thông qua những biểu hiện bất thường được ba mẹ đưa đi khám sớm. Các biểu hiện u não ở trẻ thường rõ rệt do khối u não nằm trong các tổ chức não thất và gây ra rối loạn về tiết dịch não tủy, tắc nghẽn sự lưu thông của dịch não tủy. Cả hai yếu tố này đều có thể dẫn đến hội chứng tăng áp lực nội sọ từ sớm với biểu hiện điển hình là đau không thuyên giảm. Trẻ có thể bị đau đầu, hoa mắt, mờ mắt, yếu chi...
Tuy nhiên, vì trẻ còn nhỏ nên chưa thể tự ý thức và thông báo cụ thể các dấu hiệu với ba mẹ. Ví dụ, trẻ thường thể hiện bằng cách quấy khóc, khó ngủ, yếu chân tay, không ngọ nguậy chân tay nhiều... Những trẻ lớn hơn có thể bất ngờ hay than mệt, tê yếu chi, đi học về chỉ muốn nằm, ngại vận động... Ba mẹ cần quan sát, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ thì cần đưa đến bệnh viện thăm khám, tầm soát sớm. Trẻ sẽ được chỉ định thực hiện các khảo sát hình ảnh học để chẩn đoán u não và có hướng điều trị phù hợp.
Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết thêm, theo phân độ của Tổ chức U não Thế giới, u não được chia làm bốn cấp độ từ một đến bốn. Cấp độ một và hai là u não ở mức nhẹ và vừa, cấp độ ba và bốn là u não ở mức trung bình và nghiêm trọng. Các trường hợp u não ở trẻ em đa phần là u lành tính. Nếu tính theo phân độ u não thì chỉ nằm ở độ một. Phương pháp điều trị duy nhất được chỉ định là phẫu thuật, không có chỉ định hóa trị hoặc xạ trị. Việc phẫu thuật lấy khối u sẽ giúp trẻ khỏi bệnh và tránh tối đa tái phát.
Với các trường hợp trẻ có khối u não ác tính độ ba hoặc độ bốn, điều trị sẽ khó khăn hơn. Bác sĩ có thể thực hiện điều trị đa mô thức, vừa phẫu thuật lấy khối u vừa kết hợp với hóa trị, xạ trị. Tuy nhiên, với những khối u não ác tính, bác sĩ khó tiên lượng trước được mức độ tổn thương, các di chứng do khối u não để lại.
Bác sĩ Tấn Sĩ chia sẻ thêm, trẻ càng được phát hiện u não sớm thì hiệu quả điều trị sẽ càng cao. Bác sĩ có thể đưa ra được phương pháp điều trị tối ưu đối với sức khỏe của trẻ. Bệnh lý ngoại thần kinh ở trẻ em thường rất phức tạp. Phụ huynh nên đưa trẻ thăm khám ở các bệnh viện, cơ sở y tế lớn có chuyên khoa ngoại thần kinh.
Các trường hợp trẻ bị u não hoặc nghi ngờ u não có thể thăm khám và điều trị với những thiết bị, máy móc hiện đại như máy chụp CT 768 lát cắt, MRI 3 Tesla, robot phẫu thuật não, thiết bị định vị Navigation... giúp tăng hiệu quả điều trị, hạn chế biến chứng.
Minh Huy