Trật khớp là sự di chuyển bất thường giữa các đầu xương làm cho các mặt khớp bị lệch khỏi vị trí vốn có. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, 80-90% nguyên nhân trật khớp từ chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chấn thương thể thao và tai nạn học đường.
Khi xảy ra tình trạng trật khớp, người bệnh sẽ cảm thấy vùng da ở khớp bầm tím, sưng nề; đau và cứng khớp; giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động ở khớp bị trật. Khớp gồ lên bất thường do chỏm xương trật ra khỏi hõm khớp; cử động đàn hồi, làm cho khớp bật trở lại tư thế trật dù đã cố kéo hoặc đẩy về vị trí bình thường.
Trật khớp có thể xảy ra ở hầu hết các khớp, nhưng thường gặp nhất là ở khớp cùng đòn, cổ tay, háng, gối, bàn chân... Trong đó, trật khớp vai là tình trạng phổ biến nhất. Tùy vào vị trí cụ thể, người bệnh có những dấu hiệu đặc trưng khác nhau. Ví dụ, nếu trật khớp vai, tư thế cánh tay sẽ bị biến dạng hoặc không khép sát vào thân; trật khớp háng làm cho hai chân không dài bằng nhau, gối có hiện tượng xoay vào trong, bàn chân bên trật gác lên cổ chân bên lành...
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh không nên tự ý nắn chỉnh khớp vì có thể làm cho trật khớp trở nên nghiêm trọng hơn. Sau khi được bác sĩ nắn trật thành công, người bệnh sẽ được bất động khớp bằng nẹp, bó bột hoặc dùng nạng để giảm đau và kích thích phục hồi nhanh, ngăn ngừa tổn thương thứ phát.
Tuy nhiên, việc bất động trong vài tuần có thể gây cứng khớp, co kéo phần mềm, teo cơ. Những biến chứng này có thể tiến triển nhanh và tồn tại vĩnh viễn, nhất là ở người già. Trong thời gian cố định khớp, người bệnh nên tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này giúp cải thiện tầm vận động khớp, sức cơ, tăng cường độ vững của khớp tổn thương, duy trì chức năng khớp, từ đó, ngăn ngừa trật khớp tái phát.
Trong 48 giờ đầu tiên kể từ khi nắn chỉnh lại khớp, người bệnh có thể chườm đá lạnh để giảm đau và phù nề. Sau đó có thể chuyển sang chườm ấm để làm giảm đau và hỗ trợ hồi phục tổn thương nhanh hơn. Người bệnh nên kê chi bị chấn thương lên cao hơn tim để lưu thông máu về tim không bị gián đoạn, giúp dẫn lưu máu tĩnh mạch tốt hơn, hạn chế phù nề.
Theo bác sĩ Mỹ Linh, mỗi trường hợp trật khớp có thời gian phục hồi khác nhau. Điều này phụ thuộc vào vị trí khớp trật, các tổn thương kèm theo, thời gian được phát hiện và điều trị, thể trạng nền của người bệnh, mức độ tuân thủ điều trị và chế độ tập luyện. Phần lớn trường hợp trật khớp cấp tính sau khi được nắn chỉnh và cố định, người bệnh phục hồi hoàn toàn trong vài tuần. Với một số khớp, như khớp háng, quá trình hồi phục hoàn toàn có thể mất vài tháng hoặc vài năm, thậm chí phải phẫu thuật bổ sung.
Dù ít khi xảy ra, trật khớp có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như tàn phế, mất chức năng chi vĩnh viễn, nguy hiểm tính mạng. Một số biến chứng cấp tính thường gặp khác bao gồm gãy xương, chảy máu, tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh, nhiễm trùng, mất vững khớp, cứng khớp và hạn chế vận động, thoái hóa khớp. Khi có dấu hiệu trật khớp, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được thăm khám và điều trị, tránh xảy ra các biến chứng.
Phi Hồng