Trí tuệ cảm xúc (EQ) được định nghĩa là khả năng thể hiện và quản lý cảm xúc một cách thích hợp, đồng thời tôn trọng cảm xúc của người khác. Đó là tập hợp các kỹ năng mà trẻ em có thể bắt đầu học ở mọi lứa tuổi.
Trong nhiều thập kỷ, các nghiên cứu phát hiện trí thông minh cảm xúc mang lại nhiều lợi ích cho trẻ trong suốt cuộc đời. Trẻ em có EQ cao thể hiện tốt hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn, điểm số có xu hướng cao hơn.
Trí tuệ cảm xúc giúp trẻ quản lý xung đột và phát triển tình bạn sâu sắc hơn. Người lớn có EQ cao cho biết các mối quan hệ trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của họ cũng tốt hơn.
EQ thời thơ ấu có liên quan đến mức độ thành công khi trưởng thành. Một nghiên cứu kéo dài 19 năm được công bố trên tạp chí Y tế Công cộng Mỹ cho thấy, các kỹ năng xã hội và cảm xúc của một đứa trẻ ở trường mẫu giáo có thể dự đoán sự thành công của chúng trong tương lai. Những bé có thể chia sẻ, hợp tác và làm theo chỉ dẫn ở tuổi lên 5 có nhiều khả năng tốt nghiệp đại học và có cơ hội việc làm tốt vào năm 25 tuổi.
Một đứa trẻ có thể tự điều hòa cảm xúc khi tức giận có khả năng làm tốt trong những hoàn cảnh khó khăn. Một đứa trẻ có thể bộc lộ suy nghĩ theo cách tích cực sẽ duy trì các mối quan hệ lành mạnh hơn một đứa trẻ có xu hướng la hét hoặc nói những điều ác ý khi giận dữ.
Ngoài ra, những người có EQ cao ít có nguy cơ bị trầm cảm và mắc các bệnh tâm thần khác. Do đó, cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc bằng những cách dưới đây.
Nhận biết cảm xúc của trẻ
Trẻ em cần biết cách phân loại cảm giác của chúng. Cha mẹ có thể giúp con bằng cách đặt tên cho cảm xúc của trẻ. Chẳng hạn, nếu bé khó chịu vì thua một trò chơi, bạn có thể hỏi: "Có vẻ như con đang cảm thấy tức giận đúng không?"; nếu bé trông có vẻ buồn vì không được ra ngoài, bạn có thể hỏi: "Con có cảm thấy thất vọng vì hôm nay chúng ta không đến thăm ông bà không?".
Các tính từ thể hiện sự tiêu cực bao gồm tức giận, khó chịu, xấu hổ, đau buồn... đều có thể tạo thành một từ điển diễn đạt cảm xúc. Ngoài ra, còn có các cụm từ chỉ cảm xúc tích cực như vui sướng, phấn khích, hồi hộp, hy vọng...
Thể hiện sự cảm thông
Khi trẻ buồn, đặc biệt là khi chúng có vẻ kích động, những lời chỉ trích hoặc bác bỏ có thể gây tác dụng ngược. Cách tiếp cận tốt hơn là nắm bắt cảm xúc của chúng và thể hiện sự đồng cảm, ngay cả khi bạn không hiểu vì sao chúng lại khó chịu như vậy.
Khi thấy cha mẹ hiểu cảm giác của mình, trẻ sẽ thấy ít bị ép buộc hơn khi phải thể hiện cảm xúc bên trong với người lớn thông qua các hành vi. Do đó, thay vì la hét hoặc khóc lóc để cho bố mẹ thấy rằng chúng đang tức giận, trẻ sẽ cảm thấy tốt hơn khi phụ huynh đồng cảm với mình.
Làm mẫu cách thể hiện cảm xúc thích hợp
Trẻ em cần biết cách thể hiện cảm xúc của mình phù hợp với xã hội, tức là thay vì la hét và ném đồ đạc, chia sẻ suy nghĩ của mình với người khác hoặc vẽ một bức tranh buồn có thể hữu ích hơn.
Phương pháp tốt nhất để dạy con cách thể hiện cảm xúc là cha mẹ làm mẫu những kỹ năng này. Sử dụng các từ biểu lộ cảm xúc trong cuộc trò chuyện hàng ngày với trẻ, chẳng hạn như: "Mẹ cảm thấy hạnh phúc khi thấy con thích món ăn này"; "Bố không vui khi con ném đồ chơi như thế"...
Các nghiên cứu chỉ ra rằng cha mẹ có EQ cao nhiều khả năng sinh con thông minh về mặt cảm xúc. Vì vậy, người lớn nên tạo thói quen chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình với gia đình để có thể trở thành tấm gương hiệu quả cho con.
Dạy kỹ năng đối diện với cảm xúc
Một khi hiểu cảm xúc của mình, trẻ cần học kỹ năng xử lý những điều đó một cách lành mạnh. Giữ bình tĩnh, vui vẻ hoặc đối mặt với nỗi sợ hãi có thể rất phức tạp với những trẻ nhỏ. Vì vậy, cha mẹ nên dạy con các kỹ năng cụ thể. Chẳng hạn như, khi đang tức giận trẻ nên hít sâu vào bằng mũi sao cho bụng căng lên và thở ra từ từ bằng miệng (lặp lại vài lần) để giúp cơ thể bình tĩnh lại.
Phụ huynh cũng có thể mua cho con một số loại sách tô màu, truyện cười, nến thơm, hoặc cho nghe nhạc nhẹ nhàng... để thu hút các giác quan, xoa dịu cảm xúc của trẻ. Đặt chúng trong một chiếc hộp đặc biệt mà trẻ yêu thích. Khi con khó chịu, hãy nhắc trẻ sử dụng bộ dụng cụ này để quản lý cảm xúc của mình.
Phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề
Một phần của việc xây dựng trí thông minh cảm xúc liên quan đến phương pháp giải quyết vấn đề. Sau khi xác định và giải quyết các cảm xúc, đến lúc trẻ phải tìm cách tự khắc phục khó khăn.
Có thể trẻ tức giận vì chị gái liên tục làm phiền chúng chơi điện tử. Cha mẹ nên giúp con xác định 3-5 cách có thể giải quyết mâu thuẫn. Các giải pháp không nhất thiết phải gồm những ý tưởng hay, vì mục tiêu ban đầu là khuyến khích trẻ động não để đưa ra suy nghĩ. Khi trẻ xác định được cách xử lý khả thi, cha mẹ có thể giúp con đánh giá ưu và nhược điểm của từng giải pháp. Sau đó khuyến khích con chọn phương án tốt nhất.
Cha mẹ nên đóng vai trò như một huấn luyện viên thay vì là người giải quyết mọi khó khăn cho trẻ. Cung cấp các hướng dẫn khi cần thiết nhưng hãy cho con thấy rằng chúng có khả năng tự giải quyết vấn đề một cách hòa bình và hiệu quả.
Áp dụng EQ để xây dựng kỹ năng cuộc sống
Cho dù trẻ có vẻ thông minh về mặt cảm xúc thì vẫn luôn có điểm cần cải thiện. Khi lớn lên, chúng có thể phải đối mặt với những trở ngại sẽ thách thức kỹ năng của chúng. Vì vậy, hãy phát triển trí tuệ cảm xúc song song với kỹ năng sống.
Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên tâm sự cùng con mỗi ngày. Chia sẻ về những cảm xúc của nhân vật trong sách hoặc phim. Thảo luận về những giải pháp tốt hơn cho các vấn đề đã được giải quyết, hoặc cách đối xử tôn trọng với mọi người. Khi con lớn hơn, hãy nói về các tình huống thực tế bao gồm vấn đề trẻ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày và những câu chuyện diễn ra xung quanh.
Phân tích những lỗi sai của trẻ cũng là cơ hội giúp con phát triển tốt hơn. Khi trẻ hành động vì tức giận hoặc làm tổn thương cảm xúc của ai đó, cha mẹ nên dành thời gian để nói về cách chúng có thể làm tốt hơn trong tương lai. Với sự hỗ trợ và hướng dẫn liên tục của phụ huynh, trẻ có thể phát triển trí tuệ cảm xúc và sức mạnh tinh thần, những yếu tố quan trọng mang lại thành công trong cuộc sống.
Châu Vũ (Theo Verywell Family)