Đột quỵ do nhiệt xảy ra khi bạn ở trong môi trường có nhiệt độ cao, như nắng nóng. Khi đó, cơ thể không thể tự hạ nhiệt và não bắt đầu bị ảnh hưởng. Bác sĩ cấp cứu Cecilia Sorenson (Mỹ) chia sẻ trên Insider về các triệu chứng có thể xuất hiện bao gồm: buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất phương hướng và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê. Trước khi đột quỵ nhiệt xảy ra, bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu từ nhẹ tới nặng. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp.
Mệt mỏi, yếu ớt
Bác sĩ Sorenson cho biết, mệt mỏi vì nóng là một dạng bệnh nhẹ hoặc tình trạng khó chịu chung xảy ra trước khi cơn say nóng bắt đầu. Tại thời điểm này, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu đi nhưng nhiệt độ cơ thể vẫn có thể kiểm soát được.
Suy nhược và mệt mỏi cho thấy bạn có khả năng bị mất nước và đang quá nóng. Uống nước mát hoặc dùng khăn ướt chườm lên da để đẩy nhanh quá trình làm mát tự nhiên của cơ thể. Người bệnh cũng cần nhanh chóng tránh khỏi nắng nóng bằng cách tìm bóng râm hoặc mở điều hòa không khí.
Khát nước
Nếu cảm thấy khát khi nhiệt độ cao thì có thể cơ thể đang cần nước nhiều hơn. Bạn bị mất nước do đổ mồ hôi và cần phải bổ sung thêm nước khi trời nóng, nhất là khi tập thể dục hoặc làm việc ngoài trời. Khô miệng dai dẳng và đi tiểu ít hơn, nước tiểu sẫm màu cũng là dấu hiệu mất nước.
Đau đầu
Nhức đầu và chóng mặt có thể cho thấy não đang bắt đầu cảm nhận được tác động của nhiệt độ quá cao. Những người khỏe mạnh có thể không nghĩ rằng họ có nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng nhưng bất kỳ ai cũng có thể bị mất nước sau thời gian ở trong môi trường có nhiệt độ cao.
Xanh xao, nhợt nhạt
Má ửng hồng và cháy nắng thường do nhiệt độ cao nhưng giai đoạn đầu của tình trạng kiệt sức vì nhiệt có thể khiến da bị mất màu. Làn da nhợt nhạt hoặc cơ thể cảm thấy ê ẩm vì cố gắng làm mát bằng cách đổ mồ hôi. Nếu da bạn bị khô và ửng đỏ, nhiệt độ cơ thể có thể đang tăng lên và đổ mồ hôi không thể giúp bạn hạ nhiệt. Lúc này, bác sĩ Sorenson khuyên bạn nên xịt nước lạnh lên da hoặc dùng khăn mát kết hợp với quạt để làm mát.
Buồn nôn, chuột rút
Bạn cũng có thể bị mất muối và chất điện giải qua tuyến mồ hôi. Điều này dẫn đến một số triệu chứng khó chịu hơn như chóng mặt và buồn nôn. Chất điện giải cung cấp năng lượng cho một số chức năng thiết yếu của cơ thể và sự mất cân bằng có thể khiến bạn cảm thấy không khỏe. Bạn cũng bị mất chất điện giải và chất lỏng do nôn nên nhớ bỏ bù nước nếu chứng say nóng gây khó chịu cho dạ dày.
Mất cân bằng điện giải cũng có thể gây ra cảm giác chuột rút ở bụng, tay hoặc chân. Không phải ai cũng bị chuột rút vì nóng nhưng mọi người cần chú ý nếu đang tập thể dục trong điều kiện nhiệt độ quá cao.
Một số yếu tố khác như tuổi tác, bệnh lý nền, dùng thuốc cũng liên quan đến đột quỵ do nhiệt.
Tuổi tác
Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi dễ bị tổn thương vì việc thích nghi với nhiệt chậm hơn những lứa tuổi khác.
Tình trạng sức khỏe
Một số bệnh như bệnh tim, phổi hoặc thận, béo phì hoặc nhẹ cân, huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tâm thần, hồng cầu hình liềm, những người nghiện rượu cũng có nguy cơ bị đột quỵ do nhiệt.
Thuốc
Một số thuốc kháng sinh, thuốc ăn kiêng, lợi tiểu, an thần, thuốc kích thích, thuốc chống co giật, thuốc tim và huyết áp... cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ khi nắng nóng.
Khi nhiệt độ cao, bạn nên tìm ở nơi mát mẻ, ở trong môi trường máy lạnh. Nếu phải ra ngoài, bạn có thể ngăn ngừa đột quỵ do nhiệt bằng cách mặc quần áo nhẹ, sáng màu, rộng rãi và đội mũ rộng vành; sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên. Bạn nên uống thêm nước, thay đổi hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời. Mọi người chuyển thời gian ở ngoài trời vào những thời điểm mát mẻ hơn trong ngày, sáng sớm hoặc sau khi mặt trời lặn nếu có thể.
Huỳnh Long
(Theo Insider, WebMD)