Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị nữ giới không ăn quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày, nam giới không ăn quá 9 muỗng cà phê đường một ngày. Trẻ dưới hai tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại đường nào.
Chế độ ăn nhiều đường, nhất là đường tinh luyện, tạo điều kiện tích tụ mỡ, gây tăng cân, có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như thừa cân, béo phì, tiểu đường type 2, gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa, ung thư... Tiêu thụ quá nhiều đường khiến hệ thống miễn dịch hoạt động không bình thường, sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy ăn nhiều đường hơn khuyến cáo.
Huyết áp cao: Huyết áp bình thường là mức 120/80 hoặc thấp hơn. Không chỉ muối, đường cũng có thể làm tăng huyết áp. Thường xuyên mệt mỏi, khó thở có thể do lượng đường trong cơ thể quá cao.
Tăng cân nhanh, nhất là mỡ bụng: Đường làm tăng lượng calo dư thừa vì nó không có protein hoặc chất xơ, dẫn đến tăng cân nhanh. Lượng đường cao làm tăng sản xuất insulin lưu trữ mỡ thừa ở bụng thay vì ở một số nơi khác.
Mức năng lượng thấp: Lượng đường tăng cao khiến đường huyết tăng cao gây mệt mỏi, khó thở, giảm mức năng lượng. Thực phẩm chứa đường đa phần không chứa chất dinh dưỡng cần thiết. Cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng cũng là yếu tố gây mất năng lượng, mệt mỏi, uể oải kéo dài.
Mụn trứng cá, da xấu: Quá nhiều đường khiến quá trình chuyển hóa đảo lộn, da mất độ ẩm cần thiết do thiếu nước. Mụn trứng cá và nếp nhăn có thể xuất hiện khi ăn nhiều đường. Bởi lượng đường thừa kích thích tiết androgen gây mụn trứng cá.
Cáu kỉnh: Chế độ ăn nhiều đường ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Sự thay đổi lượng đường trong máu có thể dẫn đến thay đổi tâm trạng nhanh chóng bao gồm tâm trạng buồn chán, cáu kỉnh và trạng thái tinh thần bất ổn, khó tập trung.
Đau khớp: Người thường xuyên đau khớp không do các vấn đề bệnh lý nên tìm hiểu nguyên nhân từ chế độ ăn. Cơ thể có quá nhiều đường làm tăng tình trạng viêm gây đau nhức khớp, đau mỏi người. Đường tích tụ dẫn đến tăng cân, tăng áp lực lên xương, chân cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cơ xương khớp.
Rối loạn giấc ngủ: Ăn đồ có đường, nhất là vào ban đêm, có thể làm gia tăng năng lượng vào thời điểm cơ thể cần thư giãn, nghỉ ngơi trước khi ngủ. Bạn có thể khó ngủ, đi tiểu đêm gây mất ngủ, giấc ngủ không sâu, nếu ăn uống nhiều đồ có đường.
Cách giảm đường là tính tổng lượng đường từ các thực phẩm tiêu thụ, kể cả trái cây, rau xanh. Đọc kỹ hàm lượng đường trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào. Ưu tiên đường lành mạnh hơn như mật ong, tránh các món có thêm đường, cắt giảm đồ ngọt và đồ uống có đường.
Anh Chi (Theo Eating Well)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |