Kiểm soát lượng đường trong máu (đường huyết) là vấn đề trọng tâm khi điều trị bệnh tiểu đường. Tăng đường huyết có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Bệnh nhân tiểu đường cần theo dõi tác động của các nhóm thực phẩm với cơ thể, sinh hoạt lành mạnh. Theo dõi mức đường huyết thường xuyên để có cách xử lý kịp thời khi chỉ số tăng cao.
Uống nước
Khi lượng đường trong máu tăng cao bất ngờ, người bệnh nên uống khoảng 4 cốc nước mỗi giờ trong 2-4 giờ. Bù nước thường xuyên khi đường huyết tăng rất quan trọng. Khi thận lọc lượng glucose dư thừa từ máu và qua nước tiểu, bạn thường cảm thấy khát. Uống đủ chất lỏng có thể bù nước, giảm đường trong máu.
Nhịn ăn tạm thời
Carbohydrate trong thực phẩm ảnh hưởng lớn đến đường huyết. Cơ thể phân hủy carbohydrate thành đường, chủ yếu là glucose, từ đó insulin dự trữ và chuyển hóa chúng thành năng lượng. Người bệnh nên kiểm soát lượng carbohydrate nạp vào cơ thể phù hợp với mức tiêu thụ năng lượng cho các hoạt động hàng ngày. Trường hợp đường huyết tăng cao đột ngột, bệnh nhân có thể nhịn ăn tạm thời cho đến khi mức đường huyết giảm và ổn định trở lại.
Vận động
Tập thể dục vừa phải như đi bộ hoặc đạp xe 15-30 phút có thể hạn chế tình trạng kháng insulin. Khi độ nhạy insulin tăng lên, các tế bào có thể sử dụng glucose trong máu hiệu quả hơn. Vận động giúp cơ bắp tiêu thụ đường trong máu để tạo năng lượng. Người tiểu đường nên tập thể dục thường xuyên để kiểm soát cân nặng và đường huyết. Một số bài tập được khuyến nghị như đi bộ, chạy, đạp xe, squat, bơi lội...
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng cũng làm tăng lượng đường trong máu. Khi lo lắng, các hormone như cortisol và glucagon tiết ra, làm đường huyết tăng lên giúp cơ thể có đủ năng lượng chống lại trạng thái tiêu cực. Tham gia các hoạt động giải trí như làm đồ thủ công, chơi nhạc cụ hoặc thực hiện bài tập thở, giãn cơ, thiền định phù hợp để kiểm soát căng thẳng, hạ đường huyết.
Bổ sung protein
Bổ sung 20-30 g protein kèm thực phẩm ít carbohydrate trong bữa ăn tiếp theo giúp người bệnh ổn định đường huyết. Protein kích thích giải phóng các hormone giúp insulin di chuyển glucose ra khỏi máu, đi vào tế bào hiệu quả hơn, từ đó giảm lượng đường trong máu.
Dùng insulin
Với người bệnh tiểu đường và đang sử dụng insulin, đây là cách nhanh nhất để giảm đường huyết. Dùng insulin qua đường uống giúp cơ bắp và các cơ quan hấp thu đường, chuyển đổi thành năng lượng, từ đó giảm lượng glucose trong máu. Người bệnh uống insulin theo chỉ định của bác sĩ, không tự tăng hoặc giảm liều.
Nếu mức đường huyết liên tục tăng hoặc không ổn định, người bệnh nên đi khám. Bác sĩ xây dựng kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường phù hợp với từng người.
Anh Chi (Theo Eatingwell)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |