Bà Trần Thị Chuyên (77 tuổi, Hà Nội) xuất hiện đau bả vai phải trong nhiều ngày. Cơn đau tăng dần khiến bà mất ngủ, mất khả năng vận động khớp vai, ngay cả việc sờ vào vai hay nâng cánh tay cũng gây đau đớn. Cơn đau cấp tính khiến bệnh nhân gần như không thực hiện cử động tay phải hay các động tác thông thường.
Cuối tháng 4, khi bà đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, BS.CKI Nguyễn Thị Kim Loan, khoa Cơ xương khớp cho biết, chỉ số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh kết luận người bệnh bị viêm gân vôi hóa cấp tính. Bệnh gây ra bởi các chất cặn lắng canxi tích tụ bên trong cơ hoặc gân cơ gây cảm giác đau, khó chịu khi vận động. Vị trí thường gặp nhất ở vùng chóp xoay, nơi có các nhóm cơ và gân phụ trách vận động cho vùng cánh tay, vai.

Hình ảnh trên phim chụp cho thấy phần viêm gân vôi hóa của người bệnh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Bác sĩ Loan chỉ định điều trị bằng các loại thuốc chống viêm, thực hiện thủ thuật hút dịch và tiêm khớp dưới hướng dẫn siêu âm. Chọc hút khối vôi hóa là phương pháp can thiệp tối thiểu, hiệu quả điều trị cao.
Người bệnh được gây tê tại vùng chóp xoay và dùng kim tạo ra lỗ nhỏ trên da. Dưới hướng dẫn của máy siêu âm, bác sĩ định hướng kim vào đúng vị trí vôi hóa, tiến hành chọc hút toàn bộ khối canxi và bơm thuốc chống viêm tại chỗ. Sau một tuần điều trị, bà Chuyên cải thiện vận động và giảm đau đáng kể.
Viêm gân vôi hóa có 4 giai đoạn: tiền vôi, vôi hóa, thoái biến vôi và sau vôi hóa. Giai đoạn 3 và 4 do quá trình phân giải vôi diễn ra do cơ thể giải phóng enzyme tiêu vôi, người bệnh xuất hiện các cơn đau dữ dội, dai dẳng. Phần lớn các trường hợp bị viêm gân vôi hóa do tình trạng lão hóa. Sự tích tụ cặn lắng canxi gây viêm gân vôi hóa thường do thoái hóa khớp, do chấn thương, hoại tử vùng khớp hay do người bệnh mắc các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, gout, thận...

Người bệnh phục hồi, giảm đau đáng kể sau một tuần điều trị. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Những người có nguy cơ mắc bệnh như phụ nữ, người trên 60 tuổi có tình trạng thoái hóa khớp, người mắc bệnh chuyển hóa... nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng giúp khôi phục chuyển động vai, có lối sống sinh hoạt khoa học, thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện sớm nếu mắc bệnh.
Viêm gân vôi hóa có thể điều trị khỏi. Nếu phát hiện chậm trễ, không được điều trị đúng phương pháp, người bệnh có thể gặp một số biến chứng như đứt gân, hoại tử khớp, chảy máu tại chỗ, rách chóp xoay, bất động vai.
Do đó, bác sĩ Loan khuyến cáo, khi xuất hiện các cơn đau cấp tính, đau tăng dần không khỏi, người bệnh nên đi khám ngay. Bác sĩ sẽ xác định giai đoạn bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, nâng cao khả năng vận động và chất lượng sống cho người bệnh.
Lục Bảo