Theo Jessica B. Schwartz, bác sĩ Hiệp hội Vật lý trị liệu Mỹ, cho biết, dáng đi của một người tiết lộ rất nhiều điều. Các vấn đề sức khỏe được biểu hiện trong các bước đi không chỉ của những bệnh nhân mà còn ở mọi người, dù họ đang đi bộ trong trung tâm mua sắm hoặc sân bay.
Dáng đi khập khiễng
Chân đi khập khiễng là dấu hiệu cho thấy một trong 2 chân đang bị tổn thương. Điều này có thể do tác động của vấn đề như căng cơ, bong gân dây chằng, rách sụn chêm hoặc các cấu trúc khớp bị tổn thương khác, viêm khớp, chênh lệch chiều dài chân hoặc các vấn đề về bàn chân. Theo bác sĩ Jessica B. Schwartz nói, một số bệnh nhân gặp tình trạng 2 chân không đều nhau, chân này ngắn hơn chân kia. Khi họ già, tư thế đi đứng mất cân bằng trong nhiều năm sẽ khiến các khớp xương mòn nhanh hơn, gây đau ở lưng, khớp hông, đầu gối và bàn chân.
Sải bước chậm
Một nghiên cứu cho thấy cơ mông có xu hướng suy yếu theo tuổi tác. Ngoài ra, tốc độ co duỗi của các sợi cơ ở khu vực này cũng giảm đi theo thời gian. Theo bác sĩ Jessica B. Schwartz hai yếu tố trên khi kết hợp với nhau có thể dẫn đến mất sức và khiến chúng ta đi chậm hơn.
Dáng đi chậm chạp ở người trẻ cũng cho thấy những người này đang gặp vấn đề về xương khớp như viêm khớp hoặc trọng lượng cơ thể quá nặng làm hạn chế tốc độ di chuyển, nhất là ở những người thừa cân béo phì. Do đó, một chế độ ăn lành mạnh và đi bộ thường xuyên là cách tốt để người béo phì giảm cân.
Đi lảo đảo
Một số người gặp khó khăn trong việc tập trung và tỏ ra đi lạch bạch từ bên này sang bên kia. Đôi khi họ có thể đi lệch hẳn sang một bên do sự mất cân bằng liên tục ở mỗi bước chân. Theo bác sĩ Jessica B. Schwartz, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo người bệnh đang bị yếu cơ mông hoặc viêm khớp xương háng. Để thuyên giảm, người bệnh nên tăng cường tập thể dục.
Những người bị huyết áp thấp khi đứng lên ngồi xuống hoặc thay đổi tư thế bất thường cũng gặp hiện tượng lảo đảo này.
Dù dáng đi thể hiện các vấn đề sức khỏe, tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp dáng đi xấu là do không tập luyện hoặc sai tư thế. Do đó, bác sĩ Jessica B. Schwartz khuyến cáo mỗi người cần thay đổi thói quen trong vận động và cải thiện tư thế xấu.
Tránh đi dáng vai thõng xuống vì tư thế này sẽ làm tăng thêm sự căng thẳng trên cột sống. Điều đó sẽ gây căng thẳng cho xương, cơ và khớp. Theo thời gian, điều này sẽ khiến cho cơ thể khó tiêu hóa thức ăn và không nhận đủ không khí đảm bảo cho quá trình thở.
Tư thế đứng thẳng lưng không chỉ khiến dáng người đẹp hơn mà còn giúp chúng ta tránh được một số hậu quả như gù lưng, vẹo cột sống khi về già.
Khi đi bộ nên nhìn thẳng về phía trước, toàn thân thư giãn. Chân tiếp đất phải bắt đầu từ gót rồi đến cả bàn chân và cuối cùng là mũi chân trước khi nhấc lên, cứ thế bước đều liên tục.
Theo Hướng dẫn hoạt động thể chất của Mỹ khuyến nghị, người trưởng thành muốn duy trì sức khỏe cần 150 đến 300 phút tập thể dục cường độ vừa phải hoặc 75 đến 150 phút hoạt động thể chất cường độ cao mỗi tuần.
Huyền My (Theo The Healthy)