Đọc bài viết "Kế hoạch vào viện dưỡng lão của bố khiến tôi dằn vặt cả đời" của tác giả Juno Ka, tôi nhớ lại câu chuyện về những ngày tháng cuối đời của mẹ chồng tôi. Lúc ấy, bà nằm đó vẫn còn nghe và hiểu được lời người khác nói với mình. Thỉnh thoảng, bà cũng nói bập bẹ được vài chữ.
Thế nhưng, con cái bà vào viện thăm không ai hỏi mẹ được lấy một câu nào. Họ cứ chăm chăm cãi vã, đổ lỗi cho nhau, chủ yếu là xoay quanh câu chuyện phân chia đất cát, của nả mà mẹ sẽ để lại quay khi qua đời. Vậy là chuyện bé xé ra to, chuyện nọ xọ chuyện kia, anh em trong nhà cứ thế mang hết mâu thuẫn lớn bé từ xưa tới giờ ra để xỉa xói, đấu tố nhau om sòm ngay bên giường bệnh của mẹ.
Đứa cháu vào thăm bà cũng chẳng khá hơn. Mục đích chính của cháu chỉ là rỉ rả khuyên mẹ về nhà vì "bà có lo gì cho mẹ đâu mà phải thức đêm hôm trông bà? Rồi mẹ bệnh nằm xuống nữa thì tụi con phải làm sao?". Tôi nghe những lời đó mà thấy chua chát thay cho mẹ chồng. Thực ra, tôi là con dâu, theo quan niệm của mẹ chồng thì tôi "không phải máu mủ ruột rà của bà", nhưng tôi vẫn còn thấy uổng cho bao nhiêu năm bà chèn ép tôi, ráng bòn rút để lo hết cho con cháu ruột thì của mình, vậy mà giờ phải nhận kết cục cay đắng như vậy.
Tôi biết bà xấu hổ nên tránh không gặp mặt tôi. Mãi đến ngày cuối đời, bà mới cố lay người chăm bệnh, chỉ ra phía cửa để gọi tôi vào. Bà không nói gì cả, chỉ nhìn tôi rất lâu, hai hàng nước mắt chảy dài... rồi bà đi.
Tôi tin rằng, chuyện người già cô đơn hay không không liên quan gì đến vấn đề vào viện dưỡng lão. Nhiều khi, có cụ già vào đó lại cảm thấy nhẹ nhõm, thảnh thơi, bình an hơn ở nhà vì thoát khỏi dây rợ nợ trần. Con đàn cháu đống xung quanh làm gì khi chỉ làm màu, chăm cha mẹ thì ít mà nhóm ngó tài sản thì nhiều. Chứng kiến những cảnh như thế, có khi người già còn thấy buồn thêm, còn ra đi chẳng thanh thản nổi.
>> Hai con chia tiền thừa kế khi bố đang hôn mê
Thật ra, cảm xúc nuối tiếc, day dứt vì không kịp làm nhiều hơn cho cha mẹ như của tác giả Juno Ka là điều dễ hiểu bởi chúng ta ai rồi cũng sẽ phải trải qua sau khi cha mẹ qua đời. Vì khi đó, chúng ta mới bắt đầu nghĩ đến tuổi già của chính mình, mới cảm nhận tình cảnh sống cô đơn của cha mẹ khi con cái trưởng thành rời tổ ấm, mới hiểu thấu được cảm nhận của cha mẹ khi "gần đất xa trời".
Có điều, mỗi người sẽ có mong muốn không giống nhau: người muốn gần con cháu, người lại muốn tránh xa để mong yên ổn nhắm mắt, người thanh thản vì đã làm hết trách nhiệm, người lại khắc khoải vì không dứt được lo toan... Đó đều là những cảm xúc rất đời mà mỗi người trong số chúng ta sẽ có một cảm nhận khác nhau tùy vào hoàn cảnh riêng của mình.
Như bác cả nhà chồng tôi từng mạnh miệng tuyên bố "xem nhẹ cái chết", từng quyết định muốn để mẹ mình "chết tự nhiên", nhưng giờ tới lượt bác già đi, bệnh tình y chang mẹ ngày ấy, thì bản thân lại lo lắng sốt vó, đi chữa trị khắp nơi, dặn đi dặn lại các con cháu phải đưa đi bệnh viện nếu có triệu chứng đột quỵ. Thế mới biết có lâm vào tình cảnh đó mới hiểu được những gì mà cha mẹ từng trải qua, đã lo sợ con cái bỏ bê thế nào.
Nỗi sợ cô đơn của người già, xét cho cùng cũng là một cảm xúc chính đáng. Ai nuôi con mà chẳng muốn được con cái yêu thương, chăm sóc. Mong rằng những ai còn cha, còn mẹ, hãy biết trân trọng những tháng ngày còn ở bên nhau.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.