Với tôi, khuyến khích con cái chăm sóc cha mẹ già không đơn giản chỉ là chữ "hiếu", mà còn là một cách để giúp xã hội giảm bớt gánh nặng chăm sóc người già. Theo một tính toán mới đây, khoảng 15 năm nữa, tức năm 2037, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Với điều kiện cơ sở vật chất nói chung và lĩnh vực chăm sóc người già nói riêng như hiện tại, chúng ta sẽ không thể theo kịp nhu cầu của xã hội. Nếu nhóm dân số già không được con cái chăm sóc, bị đẩy hết vào viện dưỡng lão, áp lực cho xã hội sẽ lớn đến mức nào?
Bản thân những ai từng chăm sóc cha mẹ già yếu sẽ hiểu cảm giác stress cỡ nào, vậy thử hỏi một người không máu mủ ruột thịt, làm vì tiền, liệu có thể tận tâm, tận lòng để chăm sóc cha mẹ bạn không? Ngay cả ở một đất nước phát triển hàng đầu thế giới là Mỹ còn xảy ra chuyện ngược đãi người cao tuổi trong các viện dưỡng lão, có trường hợp nhân viên còn cho người già uống thuốc an thần để ngủ cả ngày, để không làm phiền... Tôi đọc mà cảm giác thật khủng khiếp, không dám hình dung cảnh các viện dưỡng lão ở Việt Nam với cơ sở vật chất, dịch vụ kém xa Mỹ sẽ thế nào khi quá tải?
Tất nhiên, tôi luôn ủng hộ quan điểm mỗi người nên chuẩn bị tài chính để lo cho tương lai, cho tuổi già của bản thân để không quá phụ thuộc vào con cái. Nhưng như đã nói phía trên, việc chăm sóc cha mẹ già thời nay không đơn giản chỉ là chữ "hiếu" của mỗi gia đình, mà còn là một vấn đề ảnh hưởng đến an sinh của cả xã hội. Thế nên, viện dưỡng lão và nhà tình thương hãy ưu tiên cho những người quá bất hạnh, neo đơn. Còn những ai có gia đình đầy đủ, con cái nên có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già của mình thay vì phó thác cho xã hội.
Bạn bè tôi cũng vậy, họ cho rằng không muốn làm gánh nặng cho con cái, nên có tư tưởng ở riêng hay vào viện dưỡng lão. Họ không hề biết rằng làm vậy là đẩy trách nhiệm cho xã hội. Tôi vẫn nói với họ rằng: "Hãy cầu mong các cơ sở hoặc dịch vụ liên quan tới chăm sóc người già ở nước ta phát triển kịp để phục vụ nhu cầu của xã hội trong vài chục năm tới. Chứ nếu cứ như mấy dự án xây dựng treo mãi bây giờ, tôi thực sự không dám nghĩ người già Việt sẽ thế nào?".
>> Tôi dành tiền vào viện dưỡng lão vì thấm cảnh chăm cha mẹ già
Bản thân tôi cũng không chắc có thể chăm sóc cha mẹ mình tốt đến đâu, nên ngay từ bây giờ (tuổi U40), tôi đã bắt đầu đọc thêm sách về người già, để hiểu hơn về họ, chuẩn bị những kiến thức cần thiết để chăm sóc cha mẹ khi về già, cũng như sẵn sàng cho tương lai của bản thân sau này.
Rất nhiều người nước ngoài xúc động khi thấy ở Việt Nam, con cái tự tay chăm sóc cha mẹ già, họ ngưỡng mộ giá trị gia đình của người Việt. Trong khi đó, nhiều người trong chúng ta lại cứ mãi chạy theo cái gọi là "văn minh, hợp thời thế" khi muốn đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão. Cá nhân tôi cho rằng tư tưởng đó có vấn đề, văn minh hợp thời thế là phải nhìn vào điều kiện xã hội, chuẩn bị sẵn tương lai cho bản thân, chứ không phải phủi sạch trách nhiệm của thế hệ sau, vì nó sẽ thành gánh nặng rất lớn cho xã hội.
Ví dụ, 100 người già, nếu có 50% trong số đó có con cái chăm sóc khi về già thì xã hội sẽ chỉ phải cung cấp cơ sở dịch vụ để lo cho 50% người lớn tuổi còn lại. Nhưng nếu cả 100% gia đình đều đẩy hết cho dịch vụ công thì chuyện sẽ rất khác. Đó là còn chưa kể, tỷ lệ kết hôn đang giảm đi, người ta ngày nay thích sống độc thân hơn, nên sau này già đi, riêng việc lo chăm sóc nhóm này cũng đã đủ đau đầu lắm rồi.
Tôi nghĩ, với tốc độ già hóa dân số và thiếu thốn nhân viên ngành y của Việt Nam hiện tại thì viện dưỡng lão hay các dịch vụ liên quan chăm sóc người già xem ra vẫn còn là một thứ rất xa xỉ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.