Chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày mãn tang của bố tôi. Tôi chẳng biết than thở với ai, càng không muốn đưa lên mạng xã hội, chỉ là sự dằn vặt của tôi từ khi bố mất đến giờ cứ mãi âm ỉ trong lòng.
Mới đó đã hai năm, cái ngày cao điểm của dịch bệnh Covid-19. Tôi còn nhớ cuộc gọi messenger nhóm trong gia đình vào lúc 5h30 sáng, chị Hai khóc nức nở: "Mấy đứa ơi, bố đi rồi". Tôi vẫn đôi mắt ráo hoảnh, sắp xếp đi test Covid rồi xin giấy đi đường, chồng phải ở lại chăm con nhỏ vừa được bảy tháng nên chẳng thể bồng bế theo. Một mình tôi chạy xe máy về quê cách 200 km với bầu sữa căng tức.
Nhà tôi có tận bảy anh chị em, nghe thì có vẻ nhiều, nhưng ngày xưa ở miền Trung vậy là ít, người ta còn đẻ cả chục con. Bố mẹ sinh tôi khi đã ngoài 40 tuổi. Tôi là kết quả của việc vỡ kế hoạch, các anh chị tôi đều thuộc thế hệ 7X, 8X, nên khoảng cách khá lớn giữa chúng tôi. Tôi không biết mẹ có từng yêu thương tôi giống như tôi yêu con gái của mình bây giờ không, vì khi tôi hơn ba tuổi mẹ đã bỏ vào Nam, người ta nói là đi trốn nợ.
Mỗi năm, mẹ lén về nhà một, hai lần gì đó. Tôi cảm thấy ngượng nghịu khi được mẹ ôm vào lòng. Mẹ chỉ về nhà ở hẳn trước khi mất tầm ba tháng, những cơn đau và mùi hôi của căn bệnh ung thư khiến tôi không còn ôm mẹ thêm lần nào nữa, khi đó tôi bảy tuổi.
Tuổi thơ tôi là những ngày hè ngỡ từng dài đằng đẵng, chơi với con kiến, miếng bè. Bố đã dạy tôi về bầu trời sao, về mấy con đom đóm, về từ Hán hay tiếng Pháp, khi mà các cô bạn cùng trang lứa biết làm điệu hay nữ công gia chánh. Bố hay kể cho tôi về thời trước, khi bố còn là cậu công tử nhà giàu, những câu chuyện như trong phim ảnh đời thực của ông bà, ông cũng kể về mối tình đầu đơn phương của mình...
Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ bỏ học dù nhà nghèo, dù học cũng không phải giỏi giang gì. Bố tôi bán dừa, bán gà, bán lúa... cứ có gì là bán đó để nuôi tôi đi học. Khi đó, tôi mải mê chạy theo những vọng tưởng của tuổi trẻ, mải mê yêu đương. Có lẽ, lúc đó tôi chưa thấy khoảng cách giàu - nghèo rõ ràng như bây giờ, chỉ là khi lớn lên, bố tôi lại già đi nhanh quá, tôi lại quá bình thường để làm giàu thật nhanh và báo hiếu bố.
Bố ở một mình trong căn nhà xiêu vẹo suốt một khoảng thời gian dài. Trong khi đó, số lần tôi về nhà thăm ông ngày một ít dần, từ hàng tuần thành hàng tháng. Một ngày trước khi cơn bão đến, bầu trời thật đẹp, rồi khi nó đến, cuốn bay đi mái nhà vốn đã dột nát quanh năm của bố. Tôi gom hết tài sản, được có mấy chục triệu đồng, các anh chị em cũng phải gom góp lại cả năm mới đủ tiền xây lại căn nhà từ đường.
>> Ngại đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão vì nỗi lo bất hiếu
Rồi năm sau nữa, nhà nước vận động hiến đất làm đường liên thôn, bố hiến 120 m2 đất để có con đường đẹp, ngày nào cũng chống gậy đi lên đi xuống mừng mừng, tủi tủi. Ở căn nhà mới được hai năm, con đường đẹp được mấy tháng, thì ông mất. Từ đó đến nay, nhà không còn là nhà tôi nữa, nó không phải căn nhà cũ tôi từng lớn lên, cũng không có sự ấm áp của người mà tôi yêu thương, chỉ còn là sự trách móc lẫn nhau của các anh, chị. Nó xa lạ đến mức tôi chẳng còn muốn về quê.
Ai rồi cũng sẽ già, cũng sẽ chết, hình như chúng ta quan tâm quá nhiều cho con trẻ mà quên mất người già cũng đang bị bỏ rơi tới mức trầm cảm. Một người bác tôi trước khi mất, từng có một thời lừng lẫy, hai, ba vợ, nuôi mười người con. Nhưng bác lại nói với bố tôi rằng ông không muốn sống nữa. Bố tôi trước khi bệnh nặng, cũng nói rằng "muốn vào viện dưỡng lão". Khi nghe điều đó, tôi đã bật khóc. Vật chất đủ đầy không phải cái mà người già muốn, mà chính sự cô đơn mới là thứ đáng sợ nhất với những người gần đất xa trời như bố tôi.
Nói đến đây, tôi lại nhớ về mẹ chồng tôi. Bà gom góp tất cả tài sản để cho con, cho cháu, dành toàn bộ thời gian trông con cho anh cả. Bà làm quần quật từ 5h sáng, bế cháu đến đêm muộn, nhưng vẫn bị con dâu xem thường vì không có lương hưu. Những chuyện như vậy chẳng phải hiếm, nó vẫn hiện hữu ở xung quanh chúng ta, len lỏi trong mỗi gia đình, chỉ là đôi khi chúng ta vì cuộc sống quá bộn bề không để ý đến.
Mong rằng, những ai còn cha, còn mẹ, hãy quan tâm tới người già thêm một chút. Một đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ như tôi bây giờ, mỗi khi muốn lòng bình an, thực sự không biết bấu víu vào đâu cả. Chúng ta rồi cũng sẽ già đi, khi đó không phải ai cũng sẽ có kế hoạch nghỉ hưu hoàn hảo, ai cũng sẽ phải tìm niềm vui bên người thân và con cháu không ít thì nhiều.
Hy vọng, đến khi đó chúng ta sẽ không quá cô đơn như cha mẹ bây giờ.
Juno Ka
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.